Liệu hiện tượng này có tạo nên một "Kỷ băng hà mini" trên Trái đất?
Mặt trời là ngôi sao ở trung tâm Hệ Mặt trời giúp các hành tinh quay quanh quỹ đạo, cung cấp ánh sáng và nhiệt độ phù hợp cho sự sống của Trái đất.
Nếu bạn chưa biết, Mặt trời cũng trải qua nhiều chu kỳ, chúng ngày càng dễ đoán theo thời gian. Hiện tại, Mặt trời đang trong giai đoạn ít hoạt động hơn, gọi là giai đoạn cực tiểu (solar minimum).
Trong giai đoạn cực tiểu của Mặt trời, những vết đen xuất hiện ít hơn và ngược lại. (Ảnh: NASA).
Mặt trời thường trải qua giai đoạn 11 năm hoạt động mạnh mẽ (giai đoạn cực đại, solar maximum), sau đó là thời kỳ hoạt động ít hơn. Trong giai đoạn cực đại, Mặt trời xuất hiện nhiều vết đen (sunspot) và giải phóng nhiều năng lượng hơn. Còn trong giai đoạn cực tiểu, Mặt trời hoạt động một cách "yên bình" hơn, xuất hiện ít vết đen và giải phóng ít năng lượng hơn.
Trong vài thập kỷ tới, các nhà khoa học dự đoán Mặt trời sẽ rơi vào giai đoạn "cực tiểu lớn" (grand solar minimum). Lần cuối cùng giai đoạn này xảy ra là những năm 1650-1715, trong thời "Kỷ băng hà mini" ở Bắc bán cầu. Theo tài liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đó là giai đoạn khi Mặt trời lạnh hơn nhờ bụi khí từ núi lửa và những vết đen ít hơn.
Tuy nhiên, giai đoạn cực tiểu lớn này sẽ không tạo ra một "Kỷ băng hà mini" hay giúp Trái đất lạnh hơn, phần lớn đến từ tác động của biến đổi khí hậu:
"Sự nóng lên toàn cầu gây ra bởi khí thải nhà kính thông qua sử dụng nhiên liệu hóa thạch của con người lớn gấp 6 lần so với thay đổi gây ra bởi giai đoạn cực tiểu kéo dài hàng thập kỷ của Mặt trời".
"Ngay cả khi giai đoạn cực tiểu lớn kéo dài một thế kỷ, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ nóng lên. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến nhiệt độ Trái đất bên cạnh bức xạ Mặt trời, quan trọng nhất vẫn là khí thải nhà kính mà nguyên nhân đến từ chính con người", NASA cho biết.
Giai đoạn cực tiểu lớn của Mặt trời sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ Trái đất. (Ảnh: NASA).
Các nhà khoa học đã biết rằng giai đoạn cực tiểu này sẽ đến vì đó là hoạt động thường xuyên của chu kỳ Mặt trời. Những vết đen Mặt trời đã đạt đỉnh vào năm 2014 và giảm dần từ năm 2019.
Mặt trời cũng đóng vai trò làm biến đổi thời tiết không gian, truyền các hạt vật chất và tia vũ trụ (cosmic ray) qua Hệ Mặt trời. Các vết đen Mặt trời xảy ra do biến đổi từ trường mạnh sẽ giải phóng các tia sáng Mặt trời (solar flare), có thể truyền tia X và tia cực tím đến Trái đất.
Ngay cả trong giai đoạn yên bình nhất, Mặt trời vẫn có thể hoạt động theo nhiều cách. Các lỗ vành nhật hoa (coronal hole) - vành ánh sáng phát ra từ không gian xung quanh Mặt trời, vẫn phát ra bão Mặt trời ảnh hưởng đến các hệ thống vệ tinh GPS mà chúng ta sử dụng mỗi ngày.
"Những lỗ vành nhật hoa này xuất hiện trong suốt chu kỳ Mặt trời, nhưng trong giai đoạn cực tiểu, chúng sẽ tồn tại trong thời gian dài (6 tháng trở lên)", Dean Pesnell, nhà khoa học dự án thuộc Đài quan sát động lực Mặt trời, Trung tâm du hành vũ trụ Goddard của NASA, cho biết vào năm 2017.
Tiếp đến, những hạt vật chất năng lượng cao (tia vũ trụ thiên hà - galactic cosmic ray) có thể tiến đến tầng khí quyển cao của Trái đất trong chu kỳ cực tiểu của Mặt trời. Chúng được tạo ra từ những vụ nổ trong Dải Ngân hà như siêu tân tinh.
"Trong giai đoạn cực tiểu, từ trường Mặt trời giảm nên lớp che chắn những tia vũ trụ này cũng yếu hơn. Nó có thể đe dọa các phi hành gia thám hiểm ngoài không gian", Pesnell cho biết. NASA một lần nữa nhấn mạnh chu kỳ cực tiểu này của Mặt trời sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ Trái đất.
Giai đoạn cực tiểu này sẽ kết thúc chu kỳ Mặt trời thứ 24. Giai đoạn cực đại của chu kỳ 25 dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2025, dựa trên phòng dự báo toàn cầu của NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).