Mặt trời phun trào vật chất với tốc độ 7,6 triệu km/h

Vụ phun trào nhật hoa với tốc độ nhanh khác thường nhiều khả năng lao thẳng vào Solar Parker - tàu vũ trụ đang nghiên cứu Mặt trời của NASA.

Các nhà khoa học NASA phát hiện vụ phun trào nhật hoa (CME) - sự phun trào plasma và từ trường từ lớp khí quyển trên cao hay vành nhật hoa của Mặt trời - tác động đến tàu vũ trụ đang hoạt động của NASA, SciTechDaily hôm 21/3 đưa tin.


Mô phỏng cho thấy vụ phun trào CME phát ra từ Mặt trời (chấm trắng ở giữa), đi qua sao Thủy (chấm tròn cam), trong khi Trái đất (chấm tròn vàng) nằm ở phía bên kia. (Video: Văn phòng Thời tiết Vũ trụ từ Mặt trăng đến sao Hỏa thuộc NASA).

Vụ phun trào diễn ra lúc 10h36 ngày 13/3 (giờ Hà Nội) và các nhà nghiên cứu vẫn đang thu thập dữ liệu để xác định nguồn gốc, nhưng nhiều khả năng nó xuất phát từ khu vực vết đen AR3234. Khu vực này nằm ở phía xa của Mặt trời so với Trái đất từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, giải phóng 15 lóa Mặt trời cấp M có cường độ trung bình và một lóa mạnh cấp X.

Dựa trên phân tích của Văn phòng Thời tiết Vũ trụ từ Mặt trăng đến sao Hỏa thuộc NASA, CME hôm 13/3 di chuyển với tốc độ nhanh khác thường, 7.657.000 km/h, do đó được xếp loại R hiếm gặp.

Vụ phun trào nhiều khả năng đã tấn công trực diện tàu thăm dò Solar Parker của NASA. Con tàu khi đó gần đến điểm cận nhật (điểm gần Mặt trời nhất) trong chuyến tiếp cận Mặt trời thứ 15, cách Mặt trời chỉ 8,5 triệu km vào ngày 17/3. Hôm 13/3, tàu Solar Parker gửi về tín hiệu cho thấy nó vẫn hoạt động bình thường. Các nhà khoa học và kỹ sư sẽ tìm hiểu thêm về vụ phun trào và tác động tiềm ẩn sau khi nhận được đợt dữ liệu tiếp theo từ con tàu.


Vụ phun trào này tốc độ nhanh khác thường, 7.657.000km/h, được xếp loại R hiếm gặp.

Dù CME phun trào từ phía xa của Mặt trời, Trái đất vẫn cảm nhận được tác động của nó. Khi lan ra không gian, CME tạo ra sóng xung kích có thể khiến các hạt trên đường đi của nó tăng đến tốc độ đáng kinh ngạc, giống như cách sóng biển đẩy người lướt sóng. Được gọi là hạt năng lượng Mặt trời (SEP), những hạt tốc độ cao này có thể vượt qua quãng đường 150 triệu km từ Mặt trời đến Trái đất trong khoảng 30 phút.

Giới khoa học thường quan sát được SEP sau các vụ phun trào Mặt trời hướng về Trái đất, còn với những vụ phun trào ở phía xa của Mặt trời thì hiếm hơn. Tuy nhiên, các tàu vũ trụ quay quanh Trái đất đã phát hiện SEP từ vụ phun trào hôm 13/3, đồng nghĩa CME đủ mạnh để tác động đến phía gần Trái đất. Các nhà khoa học thời tiết vũ trụ của NASA vẫn đang phân tích để hiểu thêm về cách sự kiện này gây ra ảnh hưởng sâu rộng như vậy.

Cập nhật: 23/03/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video