Quan sát từ Đài thiên văn tia X Chandra cho thấy tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh Kepler bay với tốc độ nhanh gấp 25.000 lần âm thanh.
Siêu tân tinh Kepler là vụ nổ nhiệt hạch xảy ra vào cuối vòng đời của một ngôi sao trong Dải Ngân hà của chúng ta, cách Trái Đất khoảng 20.000 năm ánh sáng. Tàn dư của vụ nổ được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà khoa học cùng tên Johannes Kepler vào năm 1604, nhưng nhóm nghiên cứu khi đó không biết siêu tân tinh mà họ nhìn thấy là do một ngôi sao nhỏ đậm đặc vượt quá giới hạn khối lượng sau khi tương tác với một ngôi sao đồng hành gây nên.
Tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh Kepler. (Ảnh: Đại học Texas).
Ngày nay, các nhà thiên văn học gọi Kepler là siêu tân tinh "loại Ia". Trong một nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ Science Daily hôm 20/8, các nhà thiên văn học tại Đại học Texas, Mỹ, cho biết họ có thể ước tính tốc độ những mảnh vụn "siêu nóng và phát sáng rực rỡ" của vật thể mở rộng ra ngoài không gian.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Đài thiên văn Chandra của NASA để phân tích quang phổ tia X phát ra từ vụ nổ sao. Sự lan tỏa ánh sáng trong không gian tạo ra lượng tia X ở các bước sóng khác nhau và dựa trên hiệu ứng Doppler, các nhà thiên văn học có thể chuyển những thay đổi về bước sóng trong quang phổ tia X thành tốc độ theo đường ngắm từ Chandra đến tàn dư của siêu tân tinh.
Họ kết hợp thông tin này với những phép đo thay đổi vị trí của các đám vật chất mà Chandra quan sát được trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2014. Qua đó, nhóm nghiên cứu có thể đo các chuyển động vuông góc với đường ngắm của chúng ta và ước tính tốc độ bay của từng đám.
Kết quả cho thấy vật chất phóng ra từ vụ nổ siêu tân tinh Kepler di chuyển với tốc độ hơn 32 triệu km/h, nhanh hơn khoảng 25.000 lần so với tốc độ âm thanh trên Trái đất. Tốc độ này tương tự những gì các nhà khoa học quan sát thấy trong các siêu tân tinh ở thiên hà khác chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau vụ nổ. Nhóm nghiên cứu tin rằng các mảnh vỡ của Kepler dường như không bị làm chậm lại khi va chạm với vật chất xung quanh trong ít nhất 400 năm kể từ vụ nổ.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định chính xác lý do tại sao những đám vật chất ở Kepler lại di chuyển nhanh như vậy. Có thể đó là một vụ nổ siêu tân tinh đặc biệt mạnh, hoặc không gian mà các mảnh vỡ bay vào ít đậm đặc hơn. Dù câu trả lời là như thế nào, Kepler vẫn là vật thể đáng theo dõi trong những năm tới.