Màu nâu đặc biệt làm từ xác ướp Ai Cập nghiền vụn

Màu nâu xác ướp được chế tạo lần đầu vào thế kỷ 16 từ bột xác ướp nghiền, bột trắng, mộc dược và có nhiều họa sĩ ưa chuộng.

Ngày nay, hầu hết mọi người sẽ liên hệ xác ướp Ai Cập với bảo tàng, nơi có thể quan sát chúng trong các phòng trưng bày. Tuy nhiên, xác ướp còn có thể được tìm thấy trong những bức tranh.


Bức tranh L’interieur d’une cuisine của họa sĩ Martin Drölling năm 1815. (Ảnh: Bảo tàng Louvre)

Xác ướp Ai Cập từng được sử dụng để sản xuất một loại màu vẽ gọi là Mummy Brown (nâu xác ướp), Mommia hoặc Momie. Nguyên liệu chính của màu này là xác ướp Ai Cập nghiền vụn. Loại bột này sau đó được trộn với bột trắng và mộc dược để tạo ra một chất màu nâu đẹp mắt. Mummy Brown được chế tạo lần đầu vào thế kỷ 16 và trở thành màu sắc được các họa sĩ Tiền Raphael - trào lưu nghệ thuật xuất hiện ở Anh khoảng giữa thế kỷ 19 - ưa chuộng.

Ví dụ, họa sĩ vẽ chân dung người Anh William Beechey, từng tích trữ Mummy Brown. Họa sĩ Pháp Martin Drölling cũng sử dụng Mummy Brown làm bằng hài cốt của những vị vua Pháp đào lên từ tu viện hoàng gia St. Denis ở Paris. Các chuyên gia cho rằng bức tranh L'interieur d'une cuisine của ông là một ví dụ của việc sử dụng màu nâu xác ướp. Ngoài ra, bức tranh The Last Sleep of Arthur in Avalon của họa sĩ Edward Burne-Jones cũng được cho là vẽ bằng màu sắc đặc biệt này.

Mummy Brown mất dần độ phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Nguyên nhân một phần vì mọi người nhận ra chất màu này thực sự làm từ xác ướp Ai Cập và ngày càng ý thức được tầm quan trọng về khoa học, khảo cổ, nhân chủng học và văn hóa của xác ướp. Một lý do khác là số lượng xác ướp sẵn có để sử dụng đã giảm đáng kể.

Khi Edward Burne-Jones phát hiện Mummy Brown thực sự được làm bằng gì, ông đã đến xưởng vẽ của mình, lấy ống đựng màu và nhất quyết đem đi chôn cất tử tế. Năm 1964, Mummy Brown "tuyệt chủng" khi C. Roberson & Co., công ty sản xuất và cung cấp vật liệu mỹ thuật ở London, thông báo rằng họ hết xác ướp để sản xuất màu nâu này.


Người buôn xác ướp Ai Cập năm 1870. (Ảnh: Félix Bonfils)

Xương xác ướp nghiền bột không chỉ được dùng trong nghệ thuật mà còn cho mục đích y học. Điều này xuất phát từ niềm tin rằng xác ướp chứa bitumen, chất mà người Hy Lạp cổ đại sử dụng để chữa nhiều loại bệnh. Khi thiếu bitumen bên ngoài, người xưa cho rằng có thể sử dụng bitumen trong xác ướp. Từ "xác ướp" (mummy) cũng bắt nguồn từ mum hoặc mumiya, nghĩa là bitumen trong tiếng Ba Tư.

Do niềm tin vào khả năng chữa bệnh của bột xác ướp, xác ướp Ai Cập được xuất khẩu sang châu Âu, nghiền vụn và bán trong các tiệm thuốc trên khắp lục địa. Một nguyên nhân tạo nên cơn sốt bột xác ướp là niềm tin rằng xác ướp có một sinh lực bí ẩn có thể truyền cho bất kỳ ai ăn nó. Vì thế, người châu Âu tiêu thụ xác ướp nghiền cho đến thế kỷ 18.

Nhu cầu cao về xác ướp Ai Cập đồng nghĩa có thể kiếm được nhiều tiền từ việc buôn bán mặt hàng này. Do đó, một số người thậm chí làm đồ giả để kiếm lợi. Khi thiếu xác ướp Ai Cập thật, xác của những tội phạm bị kết án được sử dụng để thay thế.

Thi thể của tội phạm bị hành quyết hoặc nô lệ được xử lý bằng bitumen và phơi nắng nhằm tạo ra những xác ướp trông giống thật, sau đó bán cho thương nhân. Sau khi nghiền thành bột, gần như không thể phân biệt được chúng với xác ướp Ai Cập.

Ngày nay, màu Caput Mortuum, mang nghĩa "cái đầu chết" hoặc "hài cốt vô giá trị", là cái tên thay thế cho Mummy Brown và được các thương hiệu nổi tiếng như Faber Castell sản xuất. Tất nhiên, hoàn toàn không có xác chết nào được sử dụng trong quá trình chế tạo.

Cập nhật: 25/04/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video