Các đám mây bão trong bầu khí quyển Trái đất chứa đựng vô số loại vi khuẩn khác nhau, theo một nghiên cứu mới.
Báo cáo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí PLoS One hé lộ, các hạt mưa đá trút xuống từ những đám mây bão nuôi dưỡng nhiều loại vi khuẩn có xu hướng cư trú trên cây trồng cũng như hàng ngàn hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy trong đất.
Một số loài vi khuẩn có thể làm kết tinh các hạt tinh thể nước đá nhỏ vốn có tác dụng gây mưa. Điều này cho thấy, chúng có một vai trò nhất định trong việc gây mưa.
Các đám mây bão dữ dội đang quần lượn phía trên bề mặt Trái
đất là nơi dung dưỡng vô số loại vi khuẩn khác nhau. (Ảnh: NCAR)
“Các đám mây bão là hiện tượng vô cùng dữ dội. Chúng đang hút lượng lớn không khí ở dưới các đám mây và đó là cách các vi khuẩn có thể xâm nhập vào mây”, Tina Santl Temkiv, nhà hóa học môi trường thuộc Đại học Aarhus (Đan Mạch) và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Theo bà Temkiv, trước đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện đời sống vi khuẩn trong các đám mây trôi nổi phía trên những đỉnh núi. Họ nhận thấy, vi khuẩn có bao phủ một diện tích xa tới 40km và sống sót bằng cách tụ thành đám trong không gian.
Sau khi tìm hiểu về đời sống vi khuẩn trong những đám mây bão dữ dội đang quần lượn phía trên bề mặt Trái đất, bà Temkiv và các cộng sự khám phá ra rằng, “rừng” vi khuẩn có thể phát triển trong các đám mây, tăng số lượng và sau đó làm biến đổi tính chất hóa học của đám mây cũng như bầu khí quyển một cách gián tiếp.
Họ nhận định, việc vi khuẩn từ không khí xâm nhập vào các đám mây cũng hàm chỉ bầu khí quyển Trái đất đóng vai trò như sợi chỉ kết nối các hệ sinh thái ở cách xa nhau. Một số loại vi khuẩn nhất định tỏ ra xuất sắc hơn trong việc xâm chiếm các môi trường ở cách xa nơi “chôn rau cắt rốn” của chúng.
“Hiểu về cách thức các vi sinh vật phân tán vô cùng hữu ích cho ngành dịch tễ học và cả các chuyên gia trong lĩnh vực sinh thái học vi sinh vật”, Pierre Amato, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Blaise Pascal (Pháp), khẳng định.