Máy bay X-37B của Không quân Mỹ vừa hoàn thành ngày thứ 718 trên quỹ đạo, khiến nó trở thành con tàu thực hiện sứ mệnh lâu nhất trong một chương trình thử nghiệm bí mật.
Quân đội Mỹ đã phóng 5 máy bay X-37B lên quỹ đạo trong một thập kỷ qua và mỗi chuyến bay sau thực hiện nhiệm vụ lâu hơn chuyến bay trước.
Nhiệm vụ của chiếc X-37B hiện tại không có ngày kết thúc cụ thể, theo phát ngôn viên của Không quân Mỹ, thiếu tá William Russell. Tàu vũ trụ sẽ trở lại Trái Đất chỉ sau khi hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của nó, ông nói.
Chi tiết về các mục tiêu của nhiệm vụ vẫn là một bí mật, theo CNN.
Máy bay X-37B bí ẩn lập kỷ lục mới về thời gian hoàn thành sứ mệnh trong không gian. (Ảnh: Science Times).
Chương trình thử nghiệm của máy bay X-37B thu hút sự quan tâm của công chúng vì tính bí mật của nó. Không quân Mỹ không chia sẻ vị trí của các máy bay X-37B khi chúng ở trên quỹ đạo.
Không quân Mỹ nói rằng X-37B được chế tạo để thử nghiệm công nghệ tái tạo trong không gian, nhằm tiết kiệm chi phí cho các hoạt động vũ trụ.
Theo Global Security, chương trình máy bay X-37B do tập đoàn Boeing phát triển vào năm 1999, dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Năm 2004, chương trình bất ngờ được chuyển cho Không quân Mỹ.
X-37B thực hiện chuyến chu du vũ trụ đầu tiên vào ngày 22/4/2010. Tàu được đưa vào không gian bằng tên lửa đẩy Atlas-V. X-37B quay trở lại Trái Đất vào ngày 3/12/2010. (Ảnh: USAF).
X-37B được yêu thích vì thiết kế độc đáo của nó, trông giống như tàu con thoi không gian thu nhỏ. Chúng được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy và sau đó tách ra để thực hiện nhiệm vụ.
Say khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu sẽ hạ cánh trở lại mặt đất như máy bay thông thường.
Một số nguồn tin cho rằng X-37B có thể tham gia vào các hoạt động gián điệp không gian, thậm chí là thử nghiệm vũ khí bí mật trong vũ trụ.
Nhiệm vụ không gian thứ 4 được gọi là OTV-4 kéo dài trong 717 ngày và 20 giờ. Tàu được phóng lên không gian vào ngày 20/5/2015, hạ cánh tại trung tâm vũ trụ Kennedy lúc 8h ngày 7/5/2017.
OTV-5 được phóng lên vũ trụ tháng 9/2018 trên tên lửa SpaceX Falcon 9.