Trong vòng bí mật, Facebook và Mark Zuckerberg đã thực hiện dự án tầm cao chạy bằng năng lượng mặt trời, mục đích tối thượng là mang Internet đến thế giới.
"Cả đội rất lo lắng khi tôi đến", Mark nói với The Verge khi xuất hiện tại khu trại bí mật ở Yuma, Arizona, Mỹ vào lúc 2h sáng ngày 28/6. Sáng hôm đó, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay Internet sẽ diễn ra.
Hai tá người đã làm việc suốt 2 năm để tạo nên Aquila.
Chiếc máy bay Internet
Hàng tháng trời, họ đã thử những buổi bay đầu tiên, cố gắng cho nó cất cánh an toàn, ổn định trong không trung và bay ít nhất 30 phút. "Tôi tin rằng đây là cột mốc quan trọng cuả công ty, và cả thế giới. Tôi phải có mặt", Mark nói.
Với Facebook, Aquila không chỉ là một khái niệm viễn vông, nó là cam kết của họ với việc mang Internet đến 7 tỷ người trên thế giới, không phân biệt sang hèn.
Công trình này sẽ giúp hàng triệu người vượt qua đói nghèo, Mark tuyên bố, cùng với đó nâng cao chất lượng giáo dục và y tế. Nó cũng cho phép tạo ra thế hệ AI, VR tiếp theo.
Công nghệ tương lai cần đường truyền ổn định hơn, và drone (máy bay không người lái) là giải pháp. Con đường đến phiên bản VR của Facebook nằm dưới sải cánh của Aquila.
Sải cánh của Aquila che phủ tương lai của nhân loại, theo Facebook.
Đó không phải việc dễ dàng, Aquila có sải cánh lên đến 42m, lớn hơn nhiều một chiếc Boeing 737. Nhưng thử thách đặt ra là làm nó thật nhẹ để bay các chuyến dài, chất liệu được lựa chọn là sợi carbon, giúp nó đạt cân nặng chỉ 408kg, bằng phân nửa đa số SmartCar hiện tại.
Để cất cánh, nó dùng một thanh trượt gắn với cần cẩu bằng 4 chốt dây. Khi khởi động, Aquila chạy theo thanh trượt, khi đạt tốc độ yêu cầu, các chốt được mở ra, và Aquila tung cánh vào không trung, đạt độ cao thử nghiệm 655m.
Vài nhân viên Facebook lau vội dòng nước mắt vui sướng khi máy bay lên không trung.
"Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực 2 năm của họ. Thiết kế của Aquila phục vụ mục đích khác với xưa nay, yêu cầu tiết kiệm tối đa năng lượng, nghĩa là giảm tốc tối đa mà vẫn giữ được độ cao", Facebook nói tại Menlo Park.
Tại sao là máy bay?
Máy bay tự lái tỏ ra là giải pháp vượt trội. Phương pháp vệ tinh truyền thống có thể phủ sóng rộng hơn, nhưng chỉ phù hợp với khu vực có mật độ dân cư thấp, người dùng tăng có thể gây nghẽn mạng rất nhanh.
Tương tự với các trạm dữ liệu, dù phù hợp với mật độ dân số cao, nhưng lại quá tốn kém để xây dựng số lượng lớn, kể cả với các đại gia như Facebook.
Năm 2014, Mark viết một bài phân tích dài hơi về các giải pháp này. Kết luận, anh cho rằng máy bay không người lái tầm cao sẽ phù hợp nhất với người dùng ở các thành phố tầm trung và ngoại ô.
Chúng bay gần mặt đất hơn so với vệ tinh, cho sóng mạnh hơn và hữu dụng với dân số đông, chúng bay cao hơn các máy bay thông thường, nên dễ điều khiển hơn.
Drone là lựa chọn hoàn hảo cho sứ mệnh Internet toàn cầu.
Nếu Facebook có thể xây dựng chiếc drone dùng năng lượng mặt trời, nó có thể bay suốt 90 ngày, Mark phân tích. Phối hợp với hệ thống giao tiếp laser, Internet tốc độ cao có thể được cung cấp trong bán kính 50km. Máy bay dễ lái hơn khinh khí cầu, giải pháp của Google.
Drone cũng rẻ tiền hơn, do đó tính khả thi cũng cao hơn. Facebook cũng đã thuê nhiều chuyên gia từ NASA và MIT để hiện thực hóa dự án. Tuy vậy, những thử nghiệm đầu tiên đã thất bại suốt 2 năm, theo The Wired.
Con đường khó
Aquila vượt cả mong đợi khi bay được ở đoạn trên với mức tiêu thụ điện chỉ 2.000 wat.
Tiếp theo, họ cần cho Aquila bay được với "hành lý", là hệ thống giao tiếp laser. Hệ thống này được tuyên bố sẽ mang Internet nhanh hơn 10 lần chuẩn phổ thông. Bởi laser chính xác hơn, nó sẽ "bắn" Internet đến các vùng cụ thể cách xa 16km.
Facebook chưa tiết lộ khi nào Aquila mới đi vào hoạt động, bởi còn nhiều thách thức kỹ thuật nó cần làm. Bản thử vẫn chưa được lắp các tấm pin mặt trời, phải chạy bằng pin. Thiết kế pin cũng là điều khiến họ đau đầu.
Sau đó, giá tiền cũng là vấn đề, Aquila sẽ cần có giá rẻ để phổ cập đến mọi người, yêu cầu công nghệ pin hiệu quả hơn, độ bền tăng để giảm chi phí bảo dưỡng, tự động tốt nhằm giảm chi phí nhân lực.
Ngoài ra, họ cũng cần thông qua vài luật định để được phép tự do bay lượng drone cung cấp dữ liệu.
Facebook tuyên bố không muốn xây dựng hệ thống Internet riêng, họ muốn đăng ký công nghệ này, hoặc thậm chí tặng nó cho các công ty, cơ quan chính phủ hay NGOs.
Chưa biết các cơ quan công quyền sẽ đón nhận ý tưởng này như thế nào, bởi Facebook có lịch sử không mấy êm đẹp với chính phủ các nước. Chương trình Internet Free Basic miễn phí bị của họ cấm ở Ấn Độ, vì nghi ngại ảnh hưởng đến tính trung lập của Internet, khi Facebook có thể điều khiển những gì người dùng được xem trên mạng lưới đó.
Những rào cản lớn nhất của Aquila lại nằm ở mặt đất, pháp luật và những hành lang pháp lý.
Mark vẫn tự tin sẽ vượt qua được những nghi ngại này, anh cho biết các lãnh đạo thế giới rất thích ý tưởng trên, điều đó cần bởi chính sự ủng hộ, hành lang pháp lý hợp lý là những chìa khóa then chốt cho thành công của dự án.
Dù vẫn còn nhiều thử thách, Mark tin tưởng vào một tương lai mà mọi người đều có Internet, tốt và rẻ hơn.
"Viễn cảnh này sẽ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Hàng triệu chiếc máy bay mang Internet đến cho mọi vùng đất. Bạn không mong chờ một công ty như Facebook sẽ làm điều này, chúng tôi không phải nhà máy hàng không, nhưng có lẽ chúng tôi đang trở thành nhà máy đó".