Sau lần bay thử thứ nhất được chừng 3 vòng với thời gian vỏn vẹn 45 phút này, chiếc máy bay siêu nhẹ Vam-1 đã phải chịu cảnh "đắp chiếu" từ đó tới nay. Chiếc Vam-2 thậm chí còn chưa được nghiệm thu và không được cất cánh.
Năm 2003, sau khi được Chính phủ cho phép chế tạo máy bay siêu nhẹ, Hội Cơ học Việt Nam đã phối hợp với ông Vimar Nguyễn, Việt kiều Canada và là một chuyên gia về máy bay loại nhỏ đầu tư vốn, bắt tay vào sản xuất.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chiếc máy bay siêu nhẹ mang tên Vam-1 có trọng lượng 150kg, vận tốc bay 150km/h; bay được ở độ cao 2.500m và tầm bay khoảng 500km. Chỉ cần nền đất cứng rộng chừng 200m2 là máy bay có thể cất hạ cánh với toàn bộ nguyên liệu, máy móc nhập từ nước ngoài đã chính thức được hoàn thành.
Sau một loạt các thủ tục, tháng 12/2005, chiếc Vam-1 chính thức được cất cánh bay thử tại sân bay Long Thành, Đồng Nai và do chính phi công Phạm Duy Long điều khiển. Tuy nhiên, sau lần bay thử thứ nhất được chừng 3 vòng với thời gian vỏn vẹn 45 phút này, chiếc Vam-1 đã phải chịu cảnh "đắp chiếu" từ đó tới nay.
Máy bay siêu nhẹ Vam-1.
Cũng trong khoảng thời gian chiếc Vam-1 chờ được bay thử, một chiếc máy bay siêu nhẹ cùng loại khác mang tên Vam-2 tiếp tục được hoàn thiện. Ra đời sau nhưng lại không được may mắn như chiếc Vam-1, chiếc Vam-2 dù đã được hoàn thiện nhưng chưa được nghiệm thu và không được cất cánh.
Nhắc lại sự việc này, Phó GS.TS Nguyễn Thiện Tống, người trực tiếp tham gia chế tạo chiếc Vam-2 nay đã là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long thẳng thắn: Trong khi nhu cầu sử dụng máy bay nhỏ trong việc cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tuần tra kiểm soát trên biển, du lịch, bảo vệ rừng… còn rất lớn. Song chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý, nhất là trong việc cho phép sử dụng máy bay và được bay.
Trước khó khăn này, Phó GS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, lúc nản quá đã tính đến việc bàn với chủ đầu tư gắn thêm thiết bị để Vam- 2 có thể bay là là mặt nước, trở thành phương tiện thủy phi cơ, đăng ký đăng kiểm theo quy định của tàu biển có thể sẽ dễ dàng hơn.