Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu một phần mềm máy tính mới, khi cài đặt cho phép máy nhận biết được trạng thái tình cảm của người sử dụng trong thời gian giao tiếp bằng lời (khi sử dụng như một điện thoại).
Thông qua một phần mềm độc đáo, máy tính có thể nhận biết và hoạt động theo tâm trạng của người sử dụng.
Theo Cnews, phần mềm do các chuyên gia Trường ĐH Carlos III và ĐH de Granada của Tây Ban Nha tạo ra có khả năng tự thích nghi với các tình huống khác nhau trong các cuộc đối thoại giữa những người sử dụng, nhờ vậy, máy thể hiện phù hợp với trạng thái tình cảm của con người.
Trước hết, các nhà khoa học tập trung vào những tình cảm tiêu cực như hờn giận, buồn chán và nghi ngờ, ảnh hưởng xấu đến công việc và quan hệ giữa hai người đối thoại. Để phát hiện ra các sắc thái tình cảm đó, máy tính phải phân tích 60 đặc trưng khác nhau của giọng nói, tốc độ phát âm, thời gian ngừng giữa câu, năng lượng của những tín hiệu lời…
Những thông tin như vậy trong một cuộc hội thoại được máy dùng để đoán nhận trạng thái tình cảm khi hai người trò chuyện với nhau. Sự đoán nhận đó đạt được độ chính xác cao nhờ một thuật toán thống kê đặc biệt, phân tích những cuộc hội thoại trước đó, rồi so sánh với cuộc nói chuyện đang diễn ra.
Như vậy máy sẽ hiểu được sự phát triển của cuộc hội thoại và sẽ chủ động hạn chế trạng thái tình cảm tiêu cực. Ví dụ, nếu người sử dụng có tâm trạng nghi ngờ, máy tính sẽ tự điều chỉnh thành giọng khẳng định, dứt khoát, người sử dụng có vẻ buồn chán thì máy sẽ chuyển thành giọng vui vẻ, giận dữ thành ôn hoà... Thậm chí nó hoá giải được các mâu thuẫn nhỏ.
Hiệu quả của phần mềm điều chỉnh sắc thái tình cảm của máy tính này đã được thử nghiệm với sự tham gia của nhiều người tình nguyện. Kết quả chỉ ra rằng không những nó giúp cho người đối thoại mà khi sử dụng thực tế phần mềm này, máy tính làm việc tốt hơn và linh hoạt hơn so với các giao diện bình thường. Đặc biệt, nó thực hiện các cuộc đối thoại nhanh chóng hơn, thành công hơn.