Nhà triết học thế kỷ 17 Blaise Pascal nổi tiếng với thuyết Pascal's Wager. Thuyết này lập luận rằng tin vào Chúa là một quyết định thực dụng của con người, và dù Chúa có tồn tại hay không thì việc tin vào Chúa luôn có lợi, nếu Chúa không tồn tại thì cũng chẳng thiệt hại gì.
Tuy nhiên, mới đây, thuyết này cũng được các nhà tâm lý học đồng tình. Như trang Brain Pickings chỉ ra, cách đây vài thế kỷ, Pascal đã đưa ra cách hiệu quả nhất khiến người khác thay đổi quan điểm của mình trước khi có những nghiên cứu chính thức về nó.
Nghiên cứu nói rằng: "Khi chúng ta muốn sửa sai ai đó, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người đó, thừa nhận rằng ở góc độ đó thì nó thường đúng, nhưng tiết lộ với anh ta góc độ mà ý kiến của anh ta sẽ sai. Anh ta hài lòng với điều đó vì anh ta thấy rằng mình không mắc lỗi, mà chỉ không nhìn ở mọi góc độ. Ngày nay, không ai cảm thấy mình bị xúc phạm khi không nhìn thấy mọi thứ, nhưng họ không thích việc mình mắc sai lầm. Điều này có lẽ xuất phát từ thực tế là bản chất con người không thể nhìn thấy mọi thứ, và dĩ nhiên ta không thể phạm lỗi ở góc độ mà ta nhìn thấy bởi vì ta luôn cho rằng nhận thức của ta luôn luôn đúng".
Blaise Pascal - nhà triết học thế kỷ 17.
Pascal nói thêm rằng, nhìn chung con người bị thuyết phục hơn khi những lý do đưa ra là do họ phát hiện ra thay vì tới từ trí óc của người khác.
Nói một cách đơn giản, ông cho rằng trước khi phản đối ai đó, đầu tiên bạn phải chỉ ra mặt đúng của họ. Và để thuyết phục hiệu quả người khác thay đổi quan điểm của mình, hãy dẫn dắt để họ phát hiện ra quan điểm trái ngược với họ.
Tác giả Markman – giáo sư tâm lý học ở ĐH Texas, Austin, Mỹ cho rằng cả hai luận điểm trên đều đúng.
"Một trong những điều đầu tiên mà bạn phải làm để người khác thay đổi quan điểm là giảm nhẹ sự đề phòng của họ và ngăn họ khăng khăng giữ ý kiến của mình" – ông nói.
"Nếu ngay lập tức tôi nói rằng tất cả ý kiến của bạn là sai thì bạn sẽ không có động lực để hợp tác. Nhưng nếu tôi bắt đầu bằng cách nói rằng "À vâng, bạn đã đưa ra một số điểm rất đúng ở đây, tôi cho rằng đây là những vấn đề quan trọng", thì bạn đang đưa cho bên kia một lý do muốn hợp tác như một phần của việc trao đổi".
Nói cách khác, Markman cho rằng Pascal không chỉ là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà triết học, mà còn là một nhà tâm lý học.