Bổ sung chất đạm, trái cây, rau củ, chia nhỏ bữa ăn, giúp người bệnh ung thư vú đang hóa trị bớt chán ăn, đảm bảo dinh dưỡng.
Hóa trị là phương pháp đưa hóa chất vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, ngăn di căn. Người bệnh ung thư vú đang hóa trị thường gặp nhiều tác dụng phụ như: chán ăn, nôn mửa, mệt mỏi, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, viêm niêm mạc miệng...
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chán ăn, không muốn ăn khiến người bệnh không nhận đủ dinh dưỡng. Người bệnh dễ kiệt sức, không có năng lượng cho hoạt động hàng ngày, suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, khó tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Tấn gợi ý những cách hỗ trợ cải thiện tình trạng chán ăn.
Thực đơn hàng ngày nên có nhiều thực phẩm giàu protein như trứng, thịt gà, thịt heo, thịt bò... Protein góp phần chữa lành các mô và chống nhiễm trùng.
Người bệnh ăn chay nên bổ sung protein từ nguồn thực vật như đậu cô ve, đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, hạt óc chó, hạt hạnh nhân. Các loại hạt còn chứa nhiều chất béo lành mạnh, axit béo omega-3 giúp chống viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Người mắc các bệnh nền khác nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để ăn uống hợp lý.
Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa mỗi ngày giúp người bệnh bớt chán ăn. (Ảnh: Freepik).
Người mắc ung thư vú ăn trái cây, rau củ để bổ sung thêm chất xơ, vitamin, khoáng chất. Đây là nhóm chất hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tăng cường miễn dịch và chống viêm. Ăn trực tiếp thay vì dùng nước ép giúp đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Người bệnh chia 5-6 bữa nhỏ thay vì ba bữa chính, không đợi đến lúc đói mới ăn. Hạn chế uống nước trà, cà phê, soda vì dễ đầy bụng, chán ăn.
Bác sĩ Bá Tấn khuyên người mắc ung thư vú đang hóa trị nên uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày. Thận cần nhiều dịch để bài tiết các loại thuốc hóa trị. Người không đi tiểu thường xuyên hoặc nước tiểu có màu sẫm nên trao đổi với bác sĩ để tìm hướng xử trí.
Ăn các loại rau củ, trái cây có nhiều nước như cà rốt, dưa chuột, cần tây, quả mọng, táo, nho, mận, lê, đào, cam... tốt cho sức khỏe. Thường xuyên ăn cháo, súp, sinh tố cũng góp phần bổ sung lượng nước cho cơ thể. Khi ra ngoài, người bệnh nên mang nước để uống thường xuyên, không đợi đến khi khát, có thể pha thêm ít chanh và đường nếu nhạt miệng.