Do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, trời nhiều mây nên khu vực miền Bắc sẽ ít có cơ hội quan sát mưa sao băng Geminids, trong khi ở Nam Bộ thì có thể.
>>> Đón xem vua của những trận mưa sao băng sắp đến
Geminids được cho "vua" của mưa sao băng sẽ đạt cực đại vào đêm13, rạng sáng 14/12, với số sao băng lúc cực đại được dự đoán lên đến khoảng 120 vệt một giờ.
Theo ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam, thời điểm quan sát tốt nhất trận mưa sao băng nổi tiếng này là khoảng 1 đến 4h sáng 14/12, khi chòm sao Gemini ở khá cao so với đường chân trời hướng đông nam.
Vị trí tâm điểm mưa sao băng Geminids. (Đồ họa: skyandtelescope.com)
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, những ngày này miền Bắc bị ảnh hưởng của không khí lạnh, trời nhiều mây nên khả năng quan sát mưa sao băng Geminids ở Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ là rất khó. Còn ở Tây Nguyên và Nam Bộ, mọi người vẫn có thể quan sát sao băng.
Mưa sao băng Geminids là hiện tượng diễn ra hàng năm do hàng loạt các mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển trái đất khi hành tinh này đi qua khu vực quỹ đạo có chứa chúng. Các mẩu đá đều là phần tàn tích để lại trên đường đi của sao chổi 3.200 Phaethon khi nó đi vào Hệ mặt trời.
Chúng ta chỉ quan sát được những sao băng sáng và khi có nhiều sao băng xuất hiện trong một khu vực trên bầu trời đêm, người ta gọi là mưa sao băng. Và mỗi năm có khoảng 8 trận mưa sao băng lớn xuất hiện.
Hướng dẫn quan sát mưa sao băng Geminids
- Không cần (và không nên dùng) kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào, hãy dùng mắt thường quan sát. Khác với đa số các trận mưa sao băng nhỏ hơn, chúng ta có thể quan sát Geminids trước nửa đêm khi bắt đầu thấy rõ chòm sao Gemini.
- Chọn địa điểm phù hợp, hạn chế nơi ô nhiễm không khí và không bị ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt, ví dụ như đèn trên các cột đèn đường, đèn từ các công trường xây dựng...
- Khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, người xem nên kiên nhẫn, đừng rời mắt khói bầu trời, ngay cả vào lúc cực điểm có thể sẽ nhìn liên tục tới 10 phút mới thấy một vệt sao băng bay qua.
Theo Hội thiên văn học trẻ Việt Nam