Người dân tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc phát hiện một ngôi mộ cổ cuối thời Đông Hán (25 TCN-220), nằm gần con sông từng là tuyến đường tơ lụa biển thời phong kiến Trung Quốc.
Theo China News, người dân huyện Trung Sơn, thành phố Hạ Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trong khi đào móng làm nhà đã phát hiện một ngôi mộ cổ cuối thời Đông Hán có lịch sử lên tới 2.000 năm.
Nhóm khai quật đã đào được nhiều đồ cổ như vạc gốm, vại gốm, bát đồng, tiền đồng, gương đồng. Theo kiểu cách, chủng loại và số lượng đồ cổ, thân phận của của chủ mộ có thể thuộc tầng lớp trên trong xã hội Trung Hoa xưa.
Nhóm khảo cổ còn phát hiện được khuyên tai, guồng quay tơ, gương đồng, cho thấy chủ mộ có thể là nữ giới. Ngoài ra, kích thước của guồng quay tơ được phát hiện trong mộ khá lớn, là loại guồng lớn nhất trong lịch sử địa phương.
Vị trí ngôi mộ nằm trong lưu vực sông Tư Cần. Vào thời Hán, con sông này tên là Phúc Châu, là đường thủy duy nhất giữa sông Tiêu và sông Ly của đường cổ Hạ Châu trong lịch sử. Tư Cần giờ là một nhánh của sông Ly, ngày nay gọi là sông Quế Giang, chảy qua khu vực đông bắc khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây.
Vào thời cổ đại, các thuyền buôn đi từ sông Quế Giang tới sông Tây Giang, hoặc qua bán đảo Lôi Châu tới Hợp Phố rồi ra vịnh Bắc Bộ, tới các nước Nam Á.
Các nhà khảo cổ cho biết sông Tư Cần là một bộ phận quan trọng của con đường tơ lụa trên biển, cũng là sợi dây nối liền văn hóa Trung Nguyên và văn hóa Lĩnh Nam.
Việc phát hiện cổ mộ đã cung cấp thêm căn cứ cho việc nghiên cứu đường cổ Tiêu Hạ và con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nó còn có giá trị tham khảo quan trọng đối với việc nghiên cứu sự phân bố, hướng đi và tình hình phát triển kinh tế xã hội dọc tuyến đường cổ Tiêu Hạ, cũng như tập tục mai táng thời bấy giờ.