Mối nguy từ các hầm giữ xe

Thiếu hệ thống thông gió, không thông thoáng, hầm giữ xe dễ tích tụ các chất ô nhiễm, khí radon... Các nhà khoa học cảnh báo, đây có thể là nơi trữ chất độc hại với sức khỏe con người, thậm chí gây ung thư.

Các tòa nhà, cao ốc mới xây gần đây đều có thiết kế tầng hầm giữ xe. Tuy nhiên, do kỹ thuật, diện tích hạn hẹp nên hầu hết các tầng hầm này thấp, tối, thiếu hệ thống thông gió, quạt hút. Một số nơi có quạt hút, quạt gió nhưng bước vào tầng hầm vẫn có cảm giác thiếu không khí.

Thiếu không khí sạch 

Hầm để xe công viên 23/9. Ảnh: Lê Hưng.


PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (Hiệu trưởng CĐ Tài nguyên và môi trường) cho biết, để hạn chế tiếng ồn, khí độc tích tụ trong hầm giữ xe, người điều khiển phương tiện phải tắt máy, dẫn bộ. Nhưng sau khi lấy vé giữ xe, hầu hết người lái đều rồ ga chạy vào chỗ đậu. Vì thế,môi trường trong các tầng hầm giữ xe không được thông thoáng, thiếu không khí sạch.

TS.Mai Tuấn Anh (Viện Tài nguyên và Môi trường) cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn cho người làm việc tại tầng hầm, sống gần tầng hầm thì các xe máy, xe ô tô đều phải tắt máy xe khi vào hầm. Làm vậy để xe không còn thải ra các chất khí gây ô nhiễm môi trường xung quanh như CO2 và đảm bảo được an toàn cháy nổ. Nhưng điều này chỉ được thực hiện ở một vài nơi.

Nguy cơ ung thư

Ngoài những tác nhân có hại như khói xe, xăng xe, tầng hầm giữ xe còn có kẻ thù dấu mặt là khí radon. Theo KS.Nguyễn Văn Mai, Trưởng phòng an toàn bức xạ và môi trường, Trung tâm Hạt nhân TP HCM, lượng radon có tại tầng hầm của các tòa nhà và hầm giữ xe là đáng kể, nó là tác nhân gây ung thư đã được minh chứng. Đó là một loại khí có tính phóng xạ tự nhiên, sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Uran, một chất có mặt ở khắp mọi nơi trong lớp vỏ trái đất. Radon có tính trơ về hóa học, thoát qua các vết rạn và lỗ trống rất nhỏ trong vật chất rồi khuyếch tán vào không khí.

Từ đó, chúng ta có thể hít phải chúng. Đây chỉ là hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống, tuy nhiên lại gây nguy hại cho sức khỏe của con người nếu chúng ta sống trong môi trường thiếu sự thông thoáng. Đáng nói là, radon là một chất khí không mùi, không màu, không vị nên con người hầu như không thể nhận biết được.

Dẫn những kết quả nghiên cứu của Hiệp hội ung thư Mỹ, kỹ sư Mai cho biết, với các ngôi nhà thường xuyên đóng kín cửa thì mức radon trong nhà vào khoảng 4pCi/l, cao gấp 10 lần so với ngoài trời (ngoài trời chỉ là 0,4pCi/l). Nghiên cứu này cũng cho kết quả, sự chiếu xạ lớn nhất của radon là trong tầng hầm của các công trình công cộng như hầm giữ xe. Đặc biệt, trong hầm giữ xe nếu hút thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư phổi là rất cao khi bị chiếu xạ radon.

Trong 1.000 người hút thuốc lá và bị chiếu xạ ở mức 20pCi/l sẽ có 260 người có thể bị ung thư phổi. Ở mức 10pCi/l thì có 150 người bị ung thư phổi và cao gấp 200 lần nguy cơ chết trong một vụ cháy nhà. Ở mức 4pCi/l thì có 62 người có thể bị ung thư phổi. Hiệp hội ung thư Mỹ cũng thống kê được khoảng 20.000 người chết mỗi năm tại Mỹ do ung thư phổi có liên quan đến chiếu xạ radon. Với kẻ thù giấu mặt khí Radon thì cách tốt nhất là tiến hành đo nồng độ Radon ở những nơi thiếu sự thông thoáng như các tầng hầm, phòng làm việc thường xuyên đóng kín cửa. Nếu hàm lượng radon quá cao phải nhanh chóng điều chỉnh để tránh nguy hại cho sức khỏe con người. 

Cần có quy định nghiêm ngặt về xây tầng hầm

TS.Mai Tuấn Anh cho rằng, để hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cho người thường xuyên làm việc, có mặt tại các tầng hầm giữ xe thì phải kiểm tra chất lượng không khí tại các hầm đó. Cần quy định nghiêm ngặt về hệ thống thông gió, hút gió, chiều cao của các tầng hầm trong quá trình xây dựng tòa nhà và phải tắt máy xe, dẫn bộ khi vào các tầng hầm.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video