Mong chờ Vinasat bay lên!

Mong. Mong lắm rồi cho một vệ tinh đầu tiên của đất Việt cất cánh để khẳng định chủ quyền của mình trong quỹ đạo và quan trọng hơn là để chúng ta bước thêm một bước dài trong quá trình hội nhập với nền KHKT tiên tiến trên thế giới. Thế nhưng qua nhiều ngày, nhiều tháng, qua nhiều trì hoãn chúng ta vẫn chưa thấy Vinasat cất cánh và có lẽ đến năm 2008 điều này mới trở thành hiện thực. Tôi mong, và người Việt Nam đều đang hy vọng...

Từ khó khăn thách thức

Hiện nay, Việt Nam đang phải thuê vệ tinh của Thái Lan để cung cấp dịch vụ Vsat IP Star đáp ứng các dịch vụ viễn thông với giá khá đắt. Mỗi năm Việt Nam mất hơn 10 triệu USD cho khoản này. Và tất nhiên, khi có vệ tinh, chúng ta sẽ không phải chi ngoại tệ cho cái khoản "cắt cổ" đó nữa. Dự án sản xuất vệ tinh Vinasat cho riêng mình cũng xuất phát từ thực tế đó. Ban chỉ đạo quốc gia dự án Vinasat cho biết, để có được một vị trí quỹ đạo địa tĩnh cho vệ tinh Vinasat, ngay từ năm 1996, Tổng cục Bưu điện đã tiến hành đăng ký 8 vị trí quỹ đạo với Liên minh Viễn thông Quốc tế và đã sớm triển khai công tác đàm phán với nhiều nước có liên quan đến các vị trí Việt Nam đã đăng ký. Qua quá trình triển khai thực hiện dự án đăng ký và phối hợp vị trí quỹ đạo, Tổng cục Bưu điện đã đàm phán và đạt được các thoả thuận cho phép Việt Nam có thể sử dụng vị trí 107o Đông, với các băng tần đã được Liên minh Viễn thông Quốc tế quy hoạch trước, để phóng vệ tinh viễn thông Vinasat theo các yêu cầu kỹ thuật của dự án tiền khả thi.

Thế nhưng, do các băng tần này chưa được sử dụng phổ biến cho các hệ thống vệ tinh trong khu vực, nên việc sử dụng băng tần này không thuận lợi cho việc kinh doanh của hệ thống Vinasat. Vì thế, Tổng cục Bưu điện đã kiên trì đàm phán phối hợp để dành được vị trí quỹ đạo thuận lợi hơn cho việc kinh doanh vệ tinh Vinasat. Tại thời điểm đó, theo kết quả phân tích kỹ thuật của nhà thầu tư vấn và kết quả đàm phán với các nước, vị trí 132o Đông có thể đáp ứng các yêu cầu của vệ tinh. Công việc đàm phán diễn ra trong một thời gian khá dài nên dự án sản xuất vệ tinh Vinasat cũng khựng lại theo trong thời điểm đó.

Bên cạnh khó khăn bên ngoài chúng ta còn có nhiều khó khăn tồn tại trong chính bản thân mình. Năm 2001, Trung tâm Vũ trụ Surrey (Anh) có mời ta tham gia dự án thiết lập một chùm vệ tinh nhỏ đầu tiên của thế giới nhằm giám sát tài nguyên môi trường và cảnh báo thiên tai (gọi tắt là DMC). Phương thức tiến hành là họ sẽ chế tạo, ta cử người sang tiếp thu công nghệ. Từ vệ tinh thứ hai ta sẽ tự làm lấy. Thế nhưng rất tiếc vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta đã không tham gia vào dự án này. Chùm DMC dự kiến có 5-7 vệ tinh nhỏ. Vệ tinh đầu tiên của chùm này, Algeria đã phóng thành công vào cuối năm 2002.

Năm 2001, Chính phủ đã cho phép Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam xây dựng dự án tiền khả thi “Vệ tinh nhỏ giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai”. Dự án được Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định. Thời gian thẩm định và quyết định đầu tư kéo dài bởi nhiều lý do mà quan trọng nhất là khi đó Việt Nam chưa có định hướng phát triển công nghệ vũ trụ.

Ngày 27-9-2003, ba vệ tinh nhỏ khác của Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria và Anh cũng được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Plesetsk (Nga). Trung Quốc cũng ký thỏa thuận tham gia dự án này. Nếu trong năm 2003, chúng ta quyết định tham gia thì vào tháng 10-2005, vệ tinh nhỏ đầu tiên của Việt Nam đã được phóng cùng với vệ tinh nhỏ của Trung Quốc hiện đang được sử dụng để phục vụ cho Olympic 2008 tại Bắc Kinh.

Lại trở lại với vấn đề của vệ tinh Vinasat, trong năm 2004, chúng ta cũng đã có nhiều dự án sản xuất vệ tinh này. Sau nhiều tháng chuẩn bị, vào thời điểm đó, Việt Nam rất khẩn trương để có thể phóng quả vệ tinh viễn thông riêng đầu tiên vào năm 2005.

Tháng 10/2005, thủ tướng Chính phủ thông qua dự án đầu tư phóng vệ tinh viễn thông Vinasat. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)  được giao làm chủ đầu tư. Sau nhiều lần trì hoãn, Việt Nam đã khởi động lại dự án vệ tinh Vinasat đầu tiên. VNPT cho biết, dự kiến đầu năm 2006 sẽ có thể phóng vệ tinh này.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Ban chuẩn bị đầu tư dự án Vinasat thuộc VNPT cho biết, kế hoạch phóng vệ tinh cùng những khâu chuẩn bị khác phụ thuộc nhiều vào kế hoạch đấu thầu, lựa chọn công nghệ thiết bị. Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, chỉ cần Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định đã sẵn sàng được việc xác định tọa độ chính thức cho vệ tinh, VNPT sẽ hoàn thành công tác đấu thầu vào cuối tháng 11/2006. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau mà cơ bản nhất có lẽ là nguồn vốn mà dự án này lại một lần nữa phải thay đổi. Vinasat vẫn chưa thể bay lên theo dự kiến.

Đến...đợi chờ năm 2008

Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vinasat – Tập đoàn VNPT, khẳng định: Chắc chắn vào quý II năm 2008, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh Vinasat lên quỹ đạo.

Cũng theo lời ông Hoàng Minh Thống, vệ tinh Vinasat có dung lượng 20 bộ phát-đáp trên băng tần C và Ku, trọng lượng khoảng 2.600 kg tại thời điểm phóng, được áp dụng công nghệ hiện đại nhất, tính đến thời điểm hiện nay và có tuổi thọ 15-22 năm. Vùng phủ sóng của Vinasat đối với băng tần C có Nhật Bản, Đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, khu vực ASEAN, châu Úc; băng tần Ku có Đông Dương, Biển Đông và các vùng lân cận, một phần Myanmar. Tổng đầu tư cho dự án xấp xỉ 230 triệu USD. Khi Vinasat vận hành, sẽ có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ băng rộng đến tất cả các nơi trên lãnh thổ và lãnh hải VN, nơi mà hiện nay các phương thức truyền dẫn khác chưa tới được.

Việc phóng vệ tinh Vinasat có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia và nâng cao an toàn cho mạng lưới viễn thông. Đồng thời thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội. Theo đó, hàng loạt các loại hình dịch vụ do vệ tinh Vinasat cung cấp như cho thuê dung lượng vệ tinh trên cơ sở trọn bộ phát-đáp, hoặc dung lượng lẻ; cung cấp các dịch vụ trọn gói như: VSAT, thoại, truyền hình, phát thanh ở vùng sâu, vùng xa, truyền số liệu, Internet, hội nghị truyền hình, đào tạo từ xa, y tế từ xa... Đồng thời, việc phóng vệ tinh còn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quỹ đạo.

Ông Thống cho hay, hiện nay VNPT đang thuê vệ tinh của Thái Lan để cung cấp dịch vụ Vsat IP Star đáp ứng các dịch vụ viễn thông hiện nay. Đến năm 2008, khi phóng vệ tinh Vinasat thì dịch vụ Vsat IP Star sẽ chuyển sang sử dụng “cây nhà lá vườn” để khai thác hiệu quả và chấm dứt việc thuê vệ tinh của Thái Lan. Tuy nhiên, hiện VNPT vẫn chưa có phương án kinh doanh cụ thể đối với vệ tinh Vinasat. Việc khai thác hiệu quả của Vinasat, VNPT đang thu thập nhu cầu của các ngành khác (an ninh, quân đội, các doanh nghiệp...), sau đó sẽ tính toán lưu lượng sử dụng trong nước để xem xét cho các nước trong khu vực thuê, tránh việc sử dụng vệ tinh lãng phí.

Việc IP (giao thức truyền tin trên mạng) hóa hệ thống viễn thông đang phát triển với tốc độ nhanh nên nhu cầu khai thác sức mạnh của vệ tinh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. VNPT cho rằng cơ hội về hiệu quả đối với việc phóng vệ tinh Vinasat là có, nhưng thách thức cũng không nhỏ khi cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. Khi đó VNPT sẽ phải tính toán các yếu tố như: công nghệ, giá thành...

Vượt qua hai nhà thầu đến từ Pháp và Nhật, hãng Lockheed Martin của Mỹ đã trúng thầu dự án sản xuất vệ tinh Vinasat của Việt Nam. Hãng Lockheed Martin phải thực hiện trọn gói, từ sản xuất vệ tinh, tên lửa đẩy, bảo hiểm và đảm bảo phóng vệ tinh lên quỹ đạo an toàn. Nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc... khi phóng vệ tinh đầu tiên cũng đã chọn Lockheed Martin làm đối tác.  Lễ ký kết hợp đồng giữa hãng Lockheed Martin và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (chủ đầu tư) diễn ra chiều 3/8/2006 tại Hà Nội.

Arianespace sẽ phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam - Vinasat 1 (Ảnh: space-travel.com)

Giám đốc điều hành Jean-Yves Le Gall của công ty vận tải hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace vừa cho biết, Arianespace sẽ đảm nhận việc phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam, VINASAT-1, lên quỹ đạo vào nửa đầu năm 2008. Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ triển lãm viễn thông châu Á năm 2006 (CommunicAsia 2006) khai mạc tại Xingapo ngày 20/6, ông Le Gall cho biết VINASAT-1 sẽ được phóng từ một bệ phóng tại Guyana (thuộc Pháp) lên quỹ đạo bằng tên lửa Ariane 5 của Arianespace.

Ông Hoàng Minh Thống cũng khẳng định: tiến độ của dự án như hiện nay đang triển khai thuận lợi, thời gian phóng vệ tinh gần như đã chắc chắn. Yêu cầu về thời gian hoàn thành dự án này rất nghiêm ngặt, vì theo thông lệ quốc tế, thời gian sử dụng quỹ đạo 1.32o Đông. đến năm 2008 bắt buộc phải sử dụng. Do vậy, bằng mọi giá phải phóng vệ tinh đúng kế hoạch.

Theo thông tin phóng viên Tự động hóa ngày nay mới nhận được, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có buổi làm việc với Ban chỉ đạo quốc gia dự án vệ tinh viễn thông Vinasat. Theo báo cáo của ban chỉ đạo, dự kiến sẽ phóng lên quĩ đạo và bàn giao cho VN vào tháng 4-2008. Hiện VN cũng đang lập dự án xây dựng hai trạm điều khiển vệ tinh (một trạm chính, một trạm dự phòng), dự kiến đặt tại huyện Hoài Đức (Hà Tây) và huyện Bến Cát (Bình Dương).Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, các nhà thầu phải thực hiện thật tốt những mục tiêu của dự án, đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình thực hiện, giảm thiểu thấp nhất rủi ro trong quá trình triển khai dự án. 

Từ nay đến năm 2008 là cả một khoảng thời gian khá dài cho dự ấn đã được chuẩn bị từ rất lâu. Hy vọng đến năm 2008, chúng ta sẽ không phải đợi đến năm 2010, 2012....

Vũ Minh Tiến
Email:
vuminhtien11@yahoo.com

Theo Tạp chí Tự động hóa ngày nay
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video