Các nhà địa chất Trung Quốc tin rằng 1,3 tỷ năm trước, một năm trái đất kéo dài những 540 ngày, tức là bằng 13 đến 14 tháng với mỗi tháng dài đến 42 ngày và một ngày chỉ có 15 tiếng.
Những số liệu ấn tượng này là kết quả của một nghiên cứu dài ngày trên các hoá thạch của loài tảo lục cổ đại. Tảo lục là một trong những dạng sống cổ đại nhất trên hành tinh chúng ta. Chúng là những sinh vật nguyên thuỷ và bền bỉ nhất thuộc nhóm tế bào chưa có nhân điển hình.
Trái đất có hai dạng quay: một là quanh mình nó (tạo ra chu kỳ ngày đêm) và quanh mặt trời (tạo ra chu kỳ năm). ND. |
Tảo lục phản ứng mạnh mẽ với sự thay đổi của ngày và đêm. Dưới ánh nắng mặt trời, chúng mọc thẳng đứng và trở nên sáng rực. Khi không nhận đủ sáng, chúng mọc lan và có màu mờ nhạt. Vì thế, việc tìm hiểu quá khứ của loài tảo này có thể giúp ngoại suy ra sự thay đổi độ dài ngày và đêm vào thời kỳ mà chúng sinh sống.
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu những mẫu hoá thạch 1,3 tỷ năm ở chân núi Yanshan ở miền bắc tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc. Chúng cho thấy một bức tranh chính xác về nhịp điệu tăng trưởng của tảo lục. Nhịp điệu chỉ ra rằng tốc độ tự quay của trái đất 1,3 tỷ năm trước khác xa so với ngày nay.
Ngoài ra, tốc độ quay của trái đất còn phải chịu những thay đổi theo mùa gây ra bởi các hiện tượng khí tượng và lực hấp dẫn của mặt trăng. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận những thay đổi không liên tục trong tốc độ quay của trái đất (kéo theo việc độ dài ngày tăng lên hoặc giảm đi khoảng vài phần nghìn giây trong 1-3 năm), mà đáng kể nhất là vào các năm 1864, 1876, 1898 và 1920.
Thuận An