Một nửa dân số thế giới tương đương với khoảng 5 tỷ người sẽ mắc chứng cận thị vào năm 2050 và tỷ lệ mù của 1/3 số này sẽ tăng đáng kể nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn. Đó là kết luận vừa công bố của các nhà khoa học, kêu gọi cần có biện pháp chăm sóc thị lực thích hợp để tránh khỏi nguy cơ các bệnh về mắt trong thời đại hiện nay mặc dù nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Từ giữa những năm 1970 đến đầu những năm 2000, số lượng người mắc cận thị tại Mỹ đã tăng lên gấp đôi và tại một số khu vực ở châu Á, tỷ lệ người mắc cũng tăng lên đáng kể. Một thống kê gần đây tiến hành tại Hàn Quốc cho thấy có tới 96% thanh thiếu niên tại đây đã mắc cận thị. Tại Singapore, Trung Quốc và Nhật bản, tỷ lệ thiếu niên cận thị là khoảng từ 80 đến 90%.
Và dựa trên số liệu thông kê trong vài thập kỷ qua, nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều nơi trên thế giới đã ước tính số lượng người cận thị trong tương lai. Lật lại 145 nghiên cứu tiến hành trên 2,1 triệu người cho thấy vào năm 2000, có khoảng 1,406 tỷ người được xác định là mắc cận thị (chiếm 22,9% dân số thế giới), 163 triệu người mắc cận thị nặng với nguy cơ mù và đục thủy tinh thể ở mức cao. Từ đó, nhóm nghiên cứu dự đoán rằng "vào năm 2050 sẽ có 4,758 tỷ người mắc cận thị (chiếm khoảng 49,8% dan số thế giới) và 938 triệu người bị cận thị mức độ nặng".
Nếu trẻ nhỏ dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời thì sự tấn công của cận thị sẽ được giảm xuống đáng kể.
Mặc dù các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi về nguyên nhân chính xác gây nên sự gia tăng đột biến tỷ lệ người mắc cận thị nhưng theo ước tính trên thì vào năm 2050, số người mắc sẽ tăng gấp 7 lần so với năm 2000. Người ta thường cho rằng chứng cận thị có liên quan tới việc sử dụng màn hình máy tính, điện thoại nhưng thật ra, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.
Sự tăng trưởng của số người cận thị còn có mối liên hệ với sự thay đổi lối sống và hành vi diễn ra trong những thập kỷ qua. Các nhà nghiên cứu cho rằng "yếu tố môi trường, giáo dục, sự thay đổi trong lối sống giảm các hoạt động ngoài trời, tăng các hoạt động làm việc ở cự ly gần và nhiều yếu tố khác đã cấu thành nên kết quả này". Họ cho rằng hiện nay con người dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Đồng thời rất ít người đang sống mà không tiếp xúc mỗi ngày với màn hình, có thể là phục vụ mục đích công việc, học tập hoặc giải trí.
Tuy nhiên, cái mà các nhà nghiên cứu muốn khám phá ra chính là cơ chế sinh học nào đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong cấu trúc vật lý của mắt người. Việc tăng cường sử dụng màn hình không phải là bằng chứng tốt để giải thích vấn đề bởi số người mắc cận thị đã tăng lên từ trước khi có sự bùng nổ của màn hình smartphone mà thay vào đó, nó chỉ đóng vai trò khiến sự việc tồi tệ hơn chứ không thể là nguyên nhân sâu xa của vấn đề.
Ở mắt cận thị, hình ảnh sẽ hội tụ ở trước võng mạc thay vì hội tụ ở võng mạc như mắt người thường.
Một báo cáo mới đây cho biết, nếu trẻ nhỏ dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời thì sự tấn công của cận thị sẽ được giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một giả thuyết và các nhà nghiên cứu vẫn chưa tiến hành những thử nghiệm đủ dài trên trẻ em để xác định điều này. Mặt khác, các nghiên cứu vẫn dựa trên động vật và kết quả đó vẫn không chắc chắn khi áp dụng trên người.
Tuy nhiên, việc truy tìm nguồn gốc cận thị suy cho cùng cũng không cấp thiết bằng việc tìm ra cách chữa trị hoặc ngăn ngừa. Một nghiên cứu gần đây đã cho kết quả khá hứa hẹn bằng cách cho trẻ em tăng cường thêm thời gian hoạt động ngoài trời ít nhất là 2 giờ. Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là một biện pháp bảo vệ và lý giải họ đưa ra là do khi ở ngoài trời, hoạt động nhìn ở khoảng cách xa sẽ kích thích võng mạc tiết ra một số chất cụ thể, từ đó bảo vệ sức khỏe mắt tốt hơn.