Mùa đông ở Nam Mỹ "biến mất" vì El Nino

Nằm cách xa vùng mùa hè khắc nghiệt của Bắc bán cầu, các quốc gia Nam Mỹ vẫn hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục dù đang ở giữa mùa đông.

Ngày 1/8, thị trấn miền núi Vicuna ở miền Trung Chile đã chạm ngưỡng 37 độ C. Nhà khí tượng học người Chile Cristobal Torres cho biết đây là lần đầu tiên sau 70 năm hiện tượng mùa đông nóng kỷ lục lặp lại ở Vicuna.

Nhiệt độ cao bất thường cũng được ghi nhận tại khu vực thủ đô Santiago cách đó 450km về phía Nam: 24 độ C hôm 2/8.


Nhiệt độ cao dẫn đến sương mù tại thủ đô Santiago của Chile. (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Argentina thông báo tại thủ đô Buenos Aires, nhiệt độ ngày 1/8 đã vượt quá 30 độ C, khiến đây trở thành ngày 1/8 có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử dữ liệu. cũng như lần đầu tiên kể từ năm 2014 nhiệt độ vào mùa Đông ở Nam bán cầu vượt quá 30 độ C.

Nhiệt độ trung bình tháng 8 ở Buenos Aires thường dao động từ 9 – 18 độ C.

Một số thành phố trên khắp Uruguay cũng ghi nhận mức nhiệt 30 độ C vào ngày 2/8.

"Những gì chúng ta đang trải qua là sự kết hợp của hai hiện tượng: xu hướng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu cộng với hiện tượng El Nino", Bộ trưởng Môi trường Chile Maisa Rojas cho biết.

Bà Rojas dự đoán rằng khi El Nino kết thúc, tình hình thời tiết toàn cầu sẽ không còn quá khắc nghiệt nữa.

Hình thái thời tiết El Nino - được đặc trưng bởi nhiệt độ bề mặt của Thái Bình Dương tăng lên - đã gây ra mưa, lũ lụt và tuyết lở ở phía Tây Nam Mỹ, cũng như các đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Dự báo, Santiago, Buenos Aires và Montevideo sẽ trở lại nhiệt độ bình thường trong những ngày tới, nhưng giới khoa học tin rằng những đợt nắng nóng tương tự sẽ xảy ra với tần suất ngày càng nhiều.

Nhà khí hậu học Raul Cordero tại Đại học Santiago giải thích: "Nhiều khả năng kỷ lục về nhiệt độ sẽ bị phá vỡ trong năm nay (ở Santiago) và điều đó cực kỳ bất thường. 10 năm trước, chúng ta có 2 đợt nắng nóng mỗi năm và bây giờ chúng ta đang nói về 9 đợt mỗi năm”. 

Một trong những tác động đáng kể nhất của thời tiết ấm áp là làm tan chảy các lớp băng tuyết trên núi, vốn rất quan trọng đối với việc cung cấp nước ở thủ đô của Chile.

"Sóng nhiệt mùa đông tàn phá sông băng và tuyết”, chuyên gia Cordero nói.

Bộ trưởng Môi trường Maisa Rojas cũng cảnh báo về tác động của sức nóng ở hai cực Bắc và Nam.

“Băng xung quanh các vùng cực đang ở mức tối thiểu. Đặc biệt là xung quanh Nam Cực, nơi vào thời điểm này trong năm, băng biển sẽ phát triển đạt mức tối đa vào tháng 9, nhưng nó lại ở mức tối thiểu trong lịch sử”, bà Rojas lưu ý.

Theo bà Cindy Fernández, người phát ngôn của Cơ quan Khí tượng quốc gia Argentina, các khu vực miền Trung và miền Bắc Argentina đang trải qua các hình thái thời tiết nắng nóng, với nền nhiệt cao hơn từ 10 đến 15 độ C so với mức thường được ghi nhận vào khoảng thời gian mùa đông này của năm. Nói cách khác, bà Fernández cho rằng Argentina đang trải qua một mùa đông ấm hơn.

Hiện nắng nóng đang bao trùm nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Theo nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, những hiện tượng thời tiết trên sẽ “hiếm khi xảy ra” nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Cập nhật: 03/08/2023 Báo Tin Tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video