Mưa thiên thạch khổng lồ ươm mầm sự sống trên sao Hỏa

Những sao chổi khổng lồ và thiên thạch đường kính hàng trăm km trút xuống bề mặt sao Hỏa cách đây 4 tỷ năm, tạo thành tiền đề cho sự sống phát triển.

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Colorado-Boulder (UCB), Mỹ, va chạm giữa sao Hỏa và những thiên thể giải phóng lượng nhiệt rất lớn, làm tan chảy lớp băng dưới bề mặt hành tinh và biến đổi khí hậu, khiến môi trường trên sao Hỏa trở nên có lợi đối với quá trình phát triển sự sống, ít nhất trong một thời gian.

"Nếu sự sống xuất hiện trên sao Hỏa thuở sơ khai, cơn mưa thiên thạch cổ đại này rất có lợi. Phần lớn mọi người nghĩ rằng thiên thạch hủy diệt sự sống, nhưng điều trái ngược lại đúng với dạng sống vi khuẩn", CNN dẫn lời Stephen Mojzsis, giáo sư khoa Khoa học địa chất ở UCB, đồng tác giả nghiên cứu.

Nghiên cứu công bố đầu tháng tư trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters do Mojzsis và Oleg Abramov, nhà nghiên cứu ở Cục Khảo sát Địa chất Mỹ tại Flagstaff, Arizona, tiến hành. Họ sử dụng cụm siêu máy tính Janus ở cơ sở tin học của UCB để lập mô hình 3D phục vụ nghiên cứu.


Hình đồ họa một miệng hố do sao chổi hoặc thiên thạch tạo ra trên sao Hỏa cách đây 4 tỷ năm. (Ảnh: NASA).

Những va chạm mạnh tạo nên hệ thống thủy nhiệt ở các khu vực, tương tự như tại Công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ, chứa vi khuẩn tồn tại bằng phản ứng hóa học. Chúng cũng tạm thời làm tăng áp suất khí quyển của sao Hỏa, hâm nóng hành tinh đến mức đủ để tái tạo chu kỳ nước.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rõ nước từng chảy trên sao Hỏa thông qua bằng chứng từ những thung lũng sông cổ đại, vùng châu thổ và lòng hồ. Cách đây vài năm, thiết bị thăm dò Mars Curiosity phát hiện khí methane và vật chất hữu cơ khác trên bề mặt sao Hỏa, cho thấy khả năng tồn tại sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại. Giới nghiên cứu chưa biết rõ vật chất hình thành sự sống ra đời ở sao Hỏa hay do sao băng đem đến.

Phần lớn va chạm giữa sao Hỏa và thiên thạch xảy ra trong thời kỳ mang tên Late Heavy Bombardment cách đây khoảng 3,9 triệu năm, khi hệ Mặt Trời đang phát triển với các sao chổi, thiên thạch, vệ tinh và hành tinh.

"Điều thực sự cứu sống Trái Đất chính là đại dương của nó. Để xóa sạch sự sống trên Trái Đất, đại dương cần phải sôi sục và việc này rất khó xảy ra. Điều kiện để sự sống bắt đầu trên hành tinh là nước phải xuất hiện trên bề mặt trong thời gian dài hàng chục triệu năm", Richard Zurek, nhà khoa học chỉ đạo chương trình sao Hỏa ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực tại Pasadena, Mỹ, cho biết.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn đang tìm kiếm dấu hiệu sinh học cho thấy sự sống từng phát triển trên sao Hỏa, "Có thể vẫn có sự sống trên sao Hỏa. Sự sống không phát triển thành tổ chức tồn tại trên bề mặt hành tinh, nhưng không loại trừ khả năng những vi khuẩn hoạt động trong lớp vỏ sao Hỏa", Zurek nói.

Cập nhật: 08/04/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video