Muốn kích hoạt tiềm năng sáng tạo, hãy ngủ như Thomas Edison

Thomas Edison là một nhà phát minh đại tài, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy không bao giờ bị bí ý tưởng. Đã bao giờ bạn tự hỏi khi đó Edison sẽ làm gì? Liệu ông ấy có quay sang "nhìn trộm bài" của Nikola Tesla hay không?

Sự thật là khi Edison không nghĩ ra được mình nên làm gì tiếp theo, ông ấy sẽ cầm một viên bi thép trong tay rồi đi ngủ. Edison nằm trên một chiếc ghế dài, thả bàn tay của mình ra phía ngoài.

Mục đích là để khi ông ấy vừa chìm vào giấc ngủ, bàn tay thả lỏng ra sẽ khiến viên bi thép rơi xuống đất đánh thức ông ấy dậy. Edison cho biết ngay chính giai đoạn nhập nhằng giữa giấc ngủ và thức tỉnh này là lúc ông đạt tới sự sáng tạo tuyệt đỉnh nhất. Đó có thể chính là bí quyết đã giúp Edison đem các phát minh từ giấc mơ ra ngoài đời thực.


Thomas Edison ngủ trên ghế trong phòng thí nghiệm vào năm 1911.

Hơn 100 năm sau những giấc ngủ trưa của Edison, một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Não bộ Paris bây giờ đã cố gắng tái hiện lại thủ thuật của ông ấy. Kết quả chỉ ra những người làm theo công thức ngủ của Edison đã tăng gấp 3 lần cơ hội giải được một bài toán khó.

Rõ ràng là thủ thuật tỉnh giấc này có một tác động nào đó với não bộ. Một lần nữa chúng ta lại thấy Edison đã đúng, nhưng là trong một lĩnh vực không phải là chuyên môn của ông ấy.

Hypnagogia: Suối nguồn sáng tạo

Có thể bạn chưa biết, giấc ngủ và thức tỉnh không phải hai mặt của một đồng xu. Để đi từ trạng thái thức giấc vào giấc ngủ, các nhà khoa học cho biết chúng ta phải đi qua một giai đoạn chuyển tiếp được đặt tên là hypnagogia.

Nói một cách dễ hiểu thì hypnagogia là giai đoạn nửa tỉnh nửa mê kéo dài vài phút trước khi bạn rơi vào giấc ngủ sâu. Khác với một hiện tượng thú vị khác là giấc mơ sáng suốt (Lucid dream) thứ chúng ta hiếm khi gặp, hypnagogia xảy ra một cách tự nhiên trước mỗi giấc ngủ của bạn.

Trong quá trình chuyển đổi này, bạn có thể mơ thấy những giấc mơ siêu ngắn. Nội dung của những giấc mơ này thường ngẫu nhiên và đa phần bạn sẽ không còn bất kỳ kí ức nào về chúng khi tỉnh dậy. Hypnagogia vì vậy được ví như một vùng biên hoang dã, bởi giai đoạn này của giấc ngủ gần như chưa được khoa học khám phá và khai thác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng hypnagogia là một trong những giai đoạn trải nghiệm thần kinh hấp dẫn nhất. Nó được miêu tả là suối nguồn của sáng tạo, chứa đầy những ảo giác tuyệt vời, những ý tưởng không bao giờ xuất hiện trong thực tại sẽ có ở hypnagogia. Câu hỏi bây giờ chỉ là làm thế nào để chứng minh và khai thác được điều đó?


Một bức ảnh khác chụp Thomas Edison ngủ trên ghế vào năm 1904.

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances, Delphine Oudiette và các đồng nghiệp của cô tại Viện nghiên cứu Não bộ Paris đã tái hiện lại giấc ngủ của Edison trên 103 tình nguyện viên.

Đầu tiên, họ được yêu cầu làm một bài toán sắp xếp 8 chữ số thành một dãy với công thức được cho trước. Vấn đề là bài toán này có một cách giải mới nhanh hơn nhiều, nó đã được ẩn đi nhằm thách thức các tình nguyện viên tìm ra.

Sự thật là đã có 16 người tìm ra cách giải mới khi vừa giải thử vài lượt của bài toán. Cũng bởi vậy mà họ bị loại khỏi thí nghiệm vì Oudiette chỉ muốn kiểm tra những người thấy bí ý tưởng với nó mà thôi.

Những người còn lại sau khi đã cố giải bài toán rất lâu mà không tìm được lời giải đã được yêu cầu nghỉ ngơi 20 phút. Họ được cho nằm trên ghế ngả và cầm trong tay một cốc nhựa thay cho viên bi sắt của Edison.

Oudiette nối đầu của họ với một cỗ máy theo dõi sóng để biết khi nào họ đang tỉnh, khi nào ngủ sâu và khi nào ở trong trạng thái hypnagogia. Tình nguyện viên được yêu cầu tỉnh dậy ngay vào lúc họ nghe thấy tiếng cốc rơi và báo cáo mình đã mơ thấy gì.

Kết quả cho thấy hầu hết những người tham gia đều có những hình ảnh kỳ lạ hiện lên trong đầu:từ những con số nhảy múa, các dạng hình học, Đấu trường La Mã, cho tới một phòng bệnh với một con ngựa.

Nhưng thực tế tín hiệu sóng não cho thấy chỉ có 24 người đã thức dậy đúng trong giai đoạn hypnagogia. Những người khác đã đánh rơi cốc nước khi não họ vẫn tỉnh táo hoặc đã rơi vào giấc ngủ sâu hơn.


Thiết kế thí nghiệm của các nhà khoa học Pháp.

Edison đã đúng, hypnagogia là công tắc bật lên sự sáng tạo

Khi các tình nguyện viên được yêu cầu quay trở lại giải bài toán cũ của họ, kết quả ấn tượng bây giờ mới xuất hiện. Trong khi các nhà nghiên cứu không tìm được bất kỳ mối liên hệ nào giữa nội dung giấc mơ và hiệu suất giải toán, họ phát hiện những người tỉnh dậy giữa giai đoạn hypnagogia có khả năng tìm ra công thức ẩn của bài toán gấp ba lần so với những người vẫn thức. 20 trong số 24 người (83%) đã tìm thấy đáp án, so với chỉ 15 trong số 59 (30%) trong nhóm tỉnh táo.

Hiệu ứng sáng tạo đã xảy ra ngay cả với những người chỉ dành 15 giây trong giai đoạn ngủ đầu tiên. Nhưng thủ thuật này không hiệu quả đối với những người đã đến giai đoạn muộn của giấc ngủ.

Oudiette cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy có một điểm sáng tạo ngọt ngào khi bắt đầu giấc ngủ. Đó là một cửa sổ nhỏ có thể biến mất nếu bạn thức dậy quá sớm hoặc ngủ quá sâu".

Thế nhưng trái ngược với câu chuyện của Edison, khoảnh khắc eureka không đến ngay sau khi thức dậy đối với tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu này. Họ đã phải thực hiện trung bình 94 lần thử bài toán sau khi ngủ để có cái nhìn sâu sắc nhất. Oudiette nói: "Có vẻ như bạn không thể chợp mắt rồi thức dậy với một giải pháp ngay lập tức". Thay vào đó, bạn cần kiên nhẫn thêm một thời gian.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu giấc ngủ Tore Nielsen tại Đại học Montreal đã rất ngạc nhiên khi thấy thời gian ngủ ngắn lại có tác dụng đáng kể như vậy. Nielsen cho biết trước đây các nhà khoa học cho rằng thời gian ngủ lâu hơn sẽ giúp giải quyết vấn đề.

Bản thân ông ấy cũng đã áp dụng mẹo của Edison trong cuộc sống cá nhân của mình. Neilsen nói rằng giờ đây kỹ thuật này đã được xác thực, nó sẽ giúp việc nghiên cứu về giấc ngủ và sự sáng tạo trở nên dễ dàng hơn.


Một bức tượng Thomas Edison với viên bi sắt trong tay.

Để trả lời cho câu hỏi sự sáng tạo đã đến từ đâu, nhóm của Oudiette đã kiểm tra lại mô hình sóng não của những tình nguyện viên thức dậy từ giai đoạn hypnagogia. Cô nhận thấy tất cả họ đều có mức độ vừa phải của sóng alpha, một sóng não chậm liên quan đến thư giãn và mức độ thấp hơn của sóng delta, một dấu hiệu của giấc ngủ sâu.

Oudiette cho biết các nhà nghiên cứu hiện có thể tập trung vào dấu hiệu não này khi điều tra các cơ chế thần kinh của hoạt động sáng tạo. Nhóm của cô ấy đã lên kế hoạch cho một thử nghiệm để giúp mọi người đạt được vùng cửa sổ sáng tạo này bằng cách theo dõi sóng não của họ trong thời gian thực.

Lý tưởng nhất là chúng ta có thể kéo dài thời gian của giấc ngủ hypnagogia, hoặc kích thích mô hình sóng não của nó xuất hiện ngay khi chúng ta còn thức. Khi đó, chúng ta có thể tạo ra được một chiếc công tắc sáng tạo dành cho mình. Oudiette cho biết nghiên cứu mới của cô đã chứng minh phần nào đó trực giác của Edison đã đúng, và bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là khám phá phần còn lại của hypnagogia.

Cập nhật: 13/07/2024 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video