“1.800 người chết, 50.000 người bị thương và thiệt hại 200 tỉ USD” là kịch bản một trận động đất 7,8 độ Richter nếu nó xảy ra tại Nam California (Mỹ). Kịch bản này là cơ sở khoa học cho cuộc diễn tập vào tháng 11 tới tại Mỹ.
Toàn cảnh trận động đất được giả định theo kịch bản ShakeOut. (Ảnh: USGS) |
Ngày 22/5, kịch bản (Scenario) mang tên Great Southern California ShakeOut (tạm dịch: Rung chuyển dữ dội Nam California) đã được các nhà khoa học Mỹ báo cáo tại một phiên họp của Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C.
Kịch bản này, gọi tắt là ShakeOut, là sản phẩm của sự cộng tác liên ngành với sự tham gia của hơn 300 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia từ nhiều cơ quan, trong đó có Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) và các cơ quan của California như Trung tâm Khảo sát địa chất, Trung tâm theo dõi động đất Nam California, Cơ quan Dịch vụ khẩn cấp và Uỷ ban An toàn địa chấn.
Theo ShakeOut, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter sẽ không chỉ gây tổn thất to lớn về nhân mạng và cơ sở vật chất mà còn để lại những hậu quả lâu dài về kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia Hoa Kỳ, kịch bản nói trên là kết quả của cuộc nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay về ảnh hưởng của một trận động đất lớn ở khu vực này, và là cơ sở khoa học cho cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử California để đối phó với động đất, được dự kiến tổ chức vào ngày 13/11/2008.
Diễn tiến trận động đất tại từng khu vực. (Ảnh: USGS) |
Vào ngày 4/6 sắp tới, một sự kiện “khởi động” cho ShakeOut sẽ được tổ chức để giúp dân chúng California lên kế hoạch phản ứng với những nguy cơ được nêu ra trong kịch bản.
Theo kịch bản này, trận động đất sẽ diễn ra và gây thiệt hại như sau:
- Chấn động mạnh nhất và tổn thất lớn nhất sẽ nằm trong phạm vi từ đường nứt San Andreas kéo dài đến Nam California, bao gồm thung lũng Coachella, vùng Inland Empire và thung lũng Antelope.
- Ít nhất 10 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi chấn động mạnh. Nhưng do California dồn mọi nỗ lực vào công tác phòng ngừa và cứu hộ nên con số tử vong được ước tính chỉ là 1.800 người.
- Những ngôi nhà thuộc loại dễ bị hư hại và sập sẽ bị thiệt hại nặng. Trong bán kính 15 dặm từ San Andreas Fault, tất cả những ngôi nhà có kết cấu gạch-đá không được gia cố sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Tổng thiệt hại được ước tính là 33 tỉ USD.
- Những tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào Nam California sẽ bị cắt đứt tại đèo Cajon (xa lộ 15), đèo San Gorgonio (xa lộ 10) và dọc theo tuyến xa lộ 14, bao gồm các hệ thống ống dẫn, đường dây điện, đường bộ, đường sắt, giao thông liên lạc và cống dẫn nước.
- Chấn động mạnh sẽ tiếp tục tại trung tâm Los Angeles trong 55 giây, lâu hơn gần 8 lần so với trận động đất ở Northridge (California) năm 1994.
Diễn tiến trận động đất tại từng khu vực. (Ảnh: USGS) |
- Hỏa hoạn sẽ làm tăng gấp đôi số người chết và tổn thất kinh tế. Xung quanh Nam California, sẽ có khoảng 1.600 đám cháy, trong đó có một số đám cháy nhập vào nhau thành đám cháy lớn và thiêu hủy hàng trăm khối nhà ở các đô thị. Ngay trong trường hợp giả định là không có gió ở Santa Ana, thì hoả hoạn cũng làm cho tổn thất trực tiếp tăng thêm 65 tỉ USD và tổn thất gián tiếp tăng thêm 22 tỉ.
- Khoảng 50.000 người phải được đưa đi cấp cứu, trong khi gần 2/3 số giường trong các bệnh viện ở Los Angeles, Orange, Riverside, và San Bernardino sẽ bị hư hại.
- Nhờ đã đầu tư 6 tỉ USD cho an toàn địa chấn, nói chung hệ thống quốc lộ tại bang không bị ảnh hưởng nặng, nhưng một số cầu sẽ bị hư hại, khiến nhiều đoạn quốc lộ sẽ không lưu thông được. Thời gian địa chấn kéo dài sẽ làm cho một số cầu và cầu vượt bị hư hại thêm.
- Hệ thống phân phối nước phải gánh chịu tổn thất kinh tế dài hạn lớn nhất. Một số khu vực sẽ bị thiệt hại lớn đến mức phải thay toàn bộ hệ thống cấp nước, và một số nơi sẽ không có nước trong 6 tháng. Chi phí gián đoạn kinh doanh, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, do thiếu nước sẽ là 50 tỉ USD.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ cho rằng đa số những thiệt hại khi động đất xảy ra ở Nam California đều có thể dự báo và ngăn chặn được. Mọi người có thể bảo vệ chính mình và giúp đỡ người khác bằng cách thực hiện đúng những hướng dẫn về cách đối phó với động đất.
Tiến sĩ Lucile Jones, trưởng nhóm khoa học gia của dự án “Biểu thị mối nguy hiểm nhiều mặt ở Nam California” thuộc USGS, phát biểu: “Cuộc diễn tập tình trạng khẩn cấp này được xây dựng dựa trên một công trình phân tích toàn diện nhất về hậu quả một trận động đất nếu nó xảy ra ở Nam California. Chúng tôi tin là dự án khoa học này sẽ giúp các cơ quan của bang và các địa phương lập ra kế hoạch phản ứng khẩn cấp nhằm tránh những hậu quả tệ hại nhất do một trận động đất lớn gây ra”.