Nắm vững CNTT, các bạn có nhiều cơ hội việc làm

Cũng như bao sinh viên khác, thời gian học tại Trường Đại học Tổng hợp California, tôi gặp khó khăn về tài chính nên phải vừa đi học vừa đi làm. Trong lúc học tôi cũng không biết mình học xong ai sẽ sử dụng mình, ứng dụng điều mình học như thế nào? Nay tôi khuyên các bạn trẻ cứ mạnh dạn chọn ngành học theo sở thích của mình, sau đó có thể thay đổi cho phù hợp, rồi cơ hội sẽ đến.

Đối với các bạn đang học lĩnh vực CNTT thì luôn luôn cập nhật, nắm bắt các công nghệ, sản phẩm trên thị trường chứ không chỉ mạnh trên lý thuyết
”. Đó là những tâm sự của ông Thân Trọng Phúc - Trưởng đại diện tập đoàn tại Intel Việt Nam, trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo SGGP online vào chiều 11-1.

Cần tăng đầu tư vào CNTT lên gấp đôi

Ông Thân Trọng Phúc (bên phải), trưởng đại diện Intel Việt Nam tại buổi giao lưu với bạn đọc trên SGGP Online. Ảnh: MAI HẢI

Bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng, 22 tuổi, TPHCM đã mở đầu buổi giao lưu trực tuyến với câu hỏi: “Việt Nam đã gia nhập WTO, nhưng hiện tại việc sản xuất các sản phẩm kỹ thuật số tại Việt Nam còn rất hạn chế, chúng ta còn phụ thuộc vào nguồn của nước ngoài. Làm sao để khuyến khích sự phát triển sản phẩm số trong nước và có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại?”.

Ông Thân Trọng Phúc trả lời: “Để giải quyết vấn đề này cần có một chiến lược lâu dài để sáng tạo và phát triển các giải pháp, sản phẩm CNTT. Quy trình này cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong, ngoài nước, và đặc biệt là từ lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Cụ thể, chúng ta cần có những trường ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế tập trung nghiên cứu và phát triển về CNTT. Như chúng ta thấy, các quốc gia phát triển về CNTT đều có những trường đại học nổi tiếng về lĩnh vực CNTT để đào tạo những kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ phát minh ra được sản phẩm sáng tạo CNTT. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa các trường ĐH và doanh nghiệp để đưa những phát minh thành những sản phẩm tiêu thụ ngoài thị trường
”.

Bạn đọc Hoàng Kim, TPHCM hỏi: “Bao giờ nhà máy lắp ráp và kiểm định chip (nhà máy ATM) của Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM đi vào hoạt động và sẽ tuyển dụng bao nhiêu việc làm tại đây?”.

Ông Phúc cho biết: “Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào khoảng tháng 3 năm nay, dự kiến năm 2009 sẽ đi vào hoạt động, sẽ tuyển dụng khoảng 4.000 lao động, và đóng góp xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD/năm. Một điều khác nữa là hy vọng khi Intel vào Việt Nam sẽ kéo theo nhiều công ty sản xuất vật tư, vật liệu phục vụ nhà máy của Intel cũng như các công ty liên quan khác sẽ đầu tư vào Việt Nam, tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại VN”.

Bạn Nguyễn Trường Giang, tỉnh Hà Giang, đặt vấn đề rằng, các tỉnh đang ồ ạt xây dựng cổng thông tin điện tử nhưng nội dung rất nhàm chán. Có nên tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực này không? Ý kiến của ông Phúc là xây dựng cổng thông tin điện tử là điều cần làm.

Tuy nhiên, các tỉnh cần tập trung xây dựng công thông tin có nội dung đáp ứng nhu cầu bức xúc hàng ngày của người dân, cần mở ra nhiều dịch vụ công trên mạng phục vụ người dân.

Ông Phúc cũng lưu ý rằng mặc dù số người truy cập Internet, máy tính và điện thoại di động ở Việt Nam tăng khá nhanh trong mấy năm gần đây, nhưng chúng ta mới ở giai đoạn “mới lên tàu”, vẫn ở mức dưới trung bình so với các nước.

Đặc biệt mức đầu tư CNTT so với GDP vẫn còn thấp. Hiện nay tổng số đầu tư vào CNTT so với GDP tại Việt Nam chưa đến 1% trong khi đó ở các nước đang phát triển con số này khoảng từ 2% đến 4%. Điều này cho thấy chúng ta cần tăng đầu tư gấp đôi vào CNTT.

Nắm vững CNTT - nhiều cơ hội việc làm

Máy tính đã vào đều khắp các trường học tại Việt Nam. Ảnh: MAI HẢI

Trả lời câu hỏi về nguồn gốc chữ Intel, ông Phúc cho biết Intel được ghép từ hai chữ Intelligent (thông minh) và Electronic (điện tử).

Intel được sáng lập năm 1968 bởi hai ông Gordon Moore và Robert Noyce, đều là học trò của ông William Shockley - người phát minh ra bán dẫn (transitor) và được trao giải Nobel Vật lý năm 1956.

Hiện nay Intel là một công ty công nghệ hàng đầu và là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới; có doanh thu hàng năm 36 tỷ USD, có 90.000 nhân viên và đang hiện diện trên 150 quốc gia.

Ngoài việc đầu tư nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại TPHCM , ông Thân Trọng Phúc cho biết Intel đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn tại Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao việc ứng dụng CNTT đến các doanh nghiệp và người dân.

Ví dụ, vào tháng 11-2006, Intel cùng tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình xây dựng trung tâm máy tính cộng đồng tại 13 tỉnh trên toàn quốc.

Qua chương trình này người dân tại các tỉnh sẽ được cung cấp các thông tin về giá cả, thị trường, phân phối, cách trồng trọt, phân bón... Intel cũng vừa khởi động chương trình World Ahead tại Việt Nam.

Chương trình này phối hợp 4 nội dung: khả năng tiếp cận máy tính; truy cập Internet; nội dung và giải pháp về giáo dục; các phương pháp giảng dạy hiện đại. Đối tượng của các chương trình này là các sinh viên, học sinh và người dân ở các vùng nông thôn, các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Các cơ hội việc làm trong lĩnh vực CNTT được các bạn đọc đề cập đến nhiều. Về tuyển dụng lao động phổ thông tại nhà máy Intel, ông Phúc cho biết Intel sẽ tuyển dụng 2.500 lao động cho nhà máy vào năm 2008.

Điều kiện tuyển là các ứng cử viên cần phải tốt nghiệp trung học trở lên, có kiến thức cơ bản về CNTT và tiếng Anh trình độ B. Intel đang phối hợp với Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức các khóa đào tạo phục vụ việc tuyển dụng này. Ông Phúc nhấn mạnh: bạn trẻ hôm nay phải nắm bắt tốt các kiến thức, kỹ năng CNTT. Nắm vững CNTT, các bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm.

KHẮC VĂN

Theo SGGP
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video