Tàu vũ trụ Mỹ chụp ảnh vực sâu nhất Hệ Mặt trời

  •  
  • 2.738

Tàu Mars Reconnaissance Orbiter chụp ảnh hẻm núi Valles Marineris dài gấp gần 10 lần và sâu gấp 3 lần hẻm Grand Canyon ở Mỹ.

Vực Valles Marineris là hệ thống hẻm núi khổng lồ sâu hun hút trải dài 4.000km dọc theo xích đạo sao Hỏa, chiếm gần 1/4 chu vi hành tinh. Đường rãnh ở lớp đá nền của sao Hỏa dài gấp gần 10 lần Grand Canyon và sâu hơn gấp 3 lần, trở thành hẻm núi lớn nhất hệ Mặt Trời. Theo nghiên cứu của Đại học Arizona (UA) tại Tucson, đây cũng là một trong những hẻm núi bí ẩn nhất.

Một phần hẻm núi Valles Marineris trong ảnh chụp cận cảnh từ camera HiRISE.
Một phần hẻm núi Valles Marineris trong ảnh chụp cận cảnh từ camera HiRISE. (Ảnh: NASA/UA).

Sử dụng camera có độ phân giải siêu cao mang tên HiRISE (High Resolution Imaging Science Experiment) trên tàu quay quanh quỹ đạo Mars Reconnaissance Orbiter, các nhà khoa học UA chụp ảnh cận cảnh những đặc điểm kỳ lạ nhất của sao Hỏa từ năm 2006. Dù thu được những bức ảnh thực sự ấn tượng về Valles Marineris như bức ảnh công bố hôm 26/12/2020, nhóm nghiên cứu vẫn không biết chắc tổ hợp hẻm núi khổng lồ này hình thành như thế nào.

Khác với hẻm núi Grand Canyon trên Trái đất, Valles Marineris có thể không phải do nước mài mòn trong hàng tỷ năm tạo thành. Hành tinh đỏ quá nóng và khô để có thể tồn tại một con sông lớn tới mức cắt ngang qua lớp vỏ như vậy. Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết có bằng chứng dòng nước có thể đào sâu thêm một số đường rãnh của hẻm núi cách đây hàng trăm triệu năm.

Phần lớn hẻm núi có thể nứt toác từ hàng tỷ năm trước khi một nhóm núi lửa ở gần đó mang tên Tharsis lần đầu tiên nhô lên từ bề mặt sao Hỏa, theo ESA. Khi magma sục sôi bên dưới các siêu núi lửa này (trong đó có Olympus Mons, núi lửa lớn nhất hệ Mặt Trời), lớp vỏ hành tinh nhanh chóng bị kéo căng, rách toạc và cuối cùng sụp đổ thành nhiều vùng lõm và thung lũng tạo nên hẻm núi Valles Marineris ngày nay.

Các bằng chứng hé lộ những vụ sạt lở đất sau đó, dòng chảy magma và thậm chí một số con sông cổ đại có thể góp phần khiến hẻm núi tiếp tục bị xói mòn. Phân tích sâu hơn dựa trên ảnh chụp độ phân giải cao sẽ giúp giới nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc của hẻm núi vĩ đại nhất hệ Mặt Trời.

Cập nhật: 06/01/2021 Theo VnExpress
  • 2.738