NASA ấn định ngày phóng mới cho tên lửa mạnh nhất SLS

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày phóng mới của tên lửa SLS, mang theo tàu vũ trụ Orion cho sứ mệnh Artemis I vào 3/9. Thời điểm cất cánh kéo dài 2 tiếng, bắt đầu lúc 14h17 (giờ Mỹ), tức 1h17 4/9 (giờ Việt Nam).

Đợt phóng đầu tiên của SLS vào sáng 29/8 bị hủy do sự cố kỹ thuật. Một trong 4 động cơ RS-25 của tên lửa, được xác định là động cơ số 3, không đạt phạm vi nhiệt độ thích hợp để cất cánh. Trước đó, một lượng hydro lỏng (nhiệt độ -252 độ C) được truyền từ phần lõi tên lửa để làm mát động cơ.

John Honeycutt, Quản lý Chương trình Phóng Không gian của NASA tại Trung tâm Bay Vũ trụ Marshall, Alabama cho biết động cơ số 3 ấm hơn một chút so với những động cơ khác, đạt khoảng -245 độ C.


Tên lửa SLS tại bãi phóng 39B, Trung tâm Vũ trụ Kennedy. (Ảnh: Zuma Press).

Các kỹ sư NASA đã họp để đánh giá dữ liệu ghi nhận trong quá trình chuẩn bị cất cánh. Vấn đề động cơ được cho đến từ hệ thống bơm hydro lỏng chứ không phải do bản thân động cơ. Ngoài ra, khả năng một cảm biến bị lỗi khiến kết quả nhiệt độ động cơ không chính xác.

"Cách hoạt động của cảm biến không phù hợp với tính chất vật lý của tình huống đó", Honeycutt chia sẻ. Theo CNN, các kỹ sư lên kế hoạch truyền hydro lỏng sớm hơn 30-45 phút so với đợt phóng ngày 29/8 để kiểm soát và theo dõi nhiệt độ động cơ.

"Với đợt phóng hôm qua, chúng tôi nói sẽ không cất cánh nếu chưa thể điều hòa nhiệt độ cho các động cơ. Điều đó cũng sẽ áp dụng trong đợt phóng vào thứ bảy sắp tới", Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh Artemis của NASA cho biết.

Charlie Blackwell-Thompson, Giám đốc hoạt động phóng Artemis cho biết việc thay cảm biến tại bãi phóng rất phức tạp. Do đó, SLS sẽ phải dời về cơ sở lắp ráp nếu muốn thay cảm biến.

Một số vấn đề như thời tiết xấu, rò rỉ nhiên liệu trên ống dẫn và van thông hơi cũng gây chậm trễ cho đợt phóng ngày 29/8, khiến thời gian 2 tiếng không đủ để khắc phục. Giám đốc Sarafin cho biết một số quy trình đã được chỉnh sửa để đảm bảo đủ thời gian cho đợt phóng tiếp theo.

Ngày 3/9, tên lửa SLS sẽ tiếp tục cất cánh từ bãi phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida. Dự báo thời tiết cho thấy khả năng có mưa rào, dông vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Mark Burger, nhà khí tượng học thuộc Lực lượng Không gian Mỹ cho biết 60% khả năng thời tiết sẽ ảnh hưởng đến đợt phóng tên lửa.

Do vị trí thay đổi liên tục của Trái Đất và Mặt Trăng, NASA chỉ còn một cơ hội phóng SLS vào 17h12 ngày 5/9. Nếu không, tên lửa sẽ phải kéo ra khỏi bãi phóng, trở lại cơ sở lắp ráp để bảo dưỡng. Trong trường hợp đó, ngày phóng có thể dời đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.


Đồng hồ được dừng tại thời điểm 40 phút trước khi phóng vào ngày 29/8. (Ảnh: Getty Images).

Hệ thống Phóng Không gian (Space Launch System - SLS) được lên kế hoạch mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng trong chuyến bay thử nghiệm Artemis I. Nếu thành công, đây là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc cách đây nửa thế kỷ.

Chuyến bay Artemis I không có phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên tàu vũ trụ Orion.

Nếu chuyến bay đầu tiên hoàn thành tốt đẹp, NASA sẽ đưa phi hành gia lên chuyến bay Artemis II, dự kiến được phóng vào năm 2024 để quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Năm 2025, chuyến bay Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần tiếp theo sau 50 năm.

Cập nhật: 01/09/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video