Ý tưởng này được Kurt Leucht, một nhà khoa học của NASA đưa ra nhằm tạo ra nguồn năng lượng mới cho hành trình quay trở lại Trái đất nếu cần sau khi kết thúc sứ mệnh thăm dò hành tinh đỏ.
Một vấn đề lớn vẫn làm các nhà khoa học đau đầu lâu nay đó là làm thế nào để sau các chuyến du hành có con người đi đến các hành tinh xa xôi, có đủ nhiên liệu cho tàu vũ trụ đủ để quay trở về. Bên cạnh vấn đề khoảng cách, nhiên liệu rất quan trọng.
Tuy nhiên, với ý tưởng mới của Kurt Leucht đã mở ra một giải pháp tiềm năng cho tương lai. Đây không chỉ là giải pháp cho riêng chuyến du hành tới sao Hỏa mà còn được hi vọng có thể áp dụng ở các hành tinh khác bên ngoài Trái đất nếu có các điều kiện tương tự.
Đất trên bề mặt sao Hỏa được cho có thể sử dụng làm nguyên liệu cho tên lửa.
Nhóm nghiên cứu của Kurt Leucht gọi giải pháp này là "sử dụng tài nguyên tại chỗ" (ISRU). Tuy nhiên, Kurt Leucht thích gọi giải pháp này là "nhà máy chống bụi" hơn.
Giải pháp của ISRU đó là sẽ lấy nước từ lớp regolith trên sao Hỏa - chất rắn có chứa Perchlorate. Ý tưởng dường như rất khó thực hiện này theo Kurt Leucht lại tương đối khả thi hơn cả.
Theo đó, các nhà khoa học sẽ áp dụng phương pháp điện phân để tách thành hydro và oxy. Sau đó, sẽ kết hợp hydro với carbon từ khí quyển của hành tinh Đỏ để tạo ra khí mê-tan (CH4), có thể sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.
Ý tưởng này đang được NASA xem xét và có thể NASA sẽ có kế hoạch gửi hệ thống ISRU đến sao Hỏa cùng trong thời gian tới với những robot sẽ thu thập đất từ bề mặt của hành tinh đỏ.
Nếu sứ mệnh này thành công thì một vài năm sau, những sứ mệnh tiếp theo sẽ có sự xuất hiện của con người sẽ đi cùng. Lúc này chúng ta hoàn toàn có thể tự tin quay trở lại Trái Đất vì đã tạo ra được nhiên liệu.
"Công nghệ này một ngày nào đó sẽ cho phép con người sống và làm việc trên sao Hỏa", Kurt Leucht cho biết.