NASA bật động cơ đẩy tàu Voyager từ khoảng cách 24,6 tỷ km

NASA bật thành công động cơ đẩy trên tàu Voyager 1 đang bay cách Trái đất 24.630.000.000km.

Tàu Voyager 1, vật thể nhân tạo bay xa nhất đang di chuyển qua không gian liên sao, gặp vấn đề ở động cơ đẩy khiến tàu vũ trụ khó hướng về phía Trái đất khi liên lạc. Trừ khi Voyager 1 có thể đổi sang cụm động cơ đẩy khác, tàu vũ trụ 47 tuổi sẽ du hành đơn độc mà không có sự hỗ trợ từ Trái đất. Vấn đề càng tồi tệ hơn do tàu Voyager 1 cũ kỹ đến mức thay đổi đột ngột có thể phá hủy con tàu, Space hôm 11/9 đưa tin.


Mô phỏng tàu Voyager 1 chĩa về hướng Trái đất. (Ảnh: NASA).

"Mọi quyết định mà chúng tôi cần đưa ra để tàu tiến về phía trước đòi hỏi nhiều sự phân tích và cẩn trọng hơn trước", Suzanne Dodd, quản lý dự án Voyager ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cho biết.

Dữ liệu của tàu Voyager 1 đóng vai trò chủ chốt đối với khoa học vũ trụ, hé lộ nhiều hơn về không gian liên sao nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của lực hấp dẫn hoặc hạt từ Mặt trời. Nhưng nguồn điện hạt nhân lâu năm trên tàu đã suy giảm phần lớn và không còn sót lại nhiều điện. Vì vậy, các kỹ sư ở JPL đã thực hiện kế hoạch giải cứu nhằm hỗ trợ khả năng định hướng cho tàu mà không đe dọa những thiết bị khoa học đang hoạt động còn lại trên tàu.

Voyager 1 và tàu vũ trụ song sinh Voyager 2 phóng vào năm 1977 để nghiên cứu hệ Mặt trời. Bộ đôi lần lượt bay qua 4 hành tinh lớn nhất ở rìa ngoài hệ Mặt trời vào năm 1989 và tiếp tục gửi dữ liệu khoa học sau khi rời khỏi hệ vào đầu thập niên 2010. Tuổi tác dẫn tới nhiều thay đổi với tàu Voyager. Ống nhiên liệu dùng cho động cơ đẩy có xu hướng bị tắc trong hơn 20 năm. Điều đó xảy ra khi màng ngăn bằng cao su ở bình nhiên liệu của mỗi tàu xuống cấp, tạo ra phụ phẩm silicon dioxide làm tắc đường ống.

Mỗi tàu Voyager có 3 nhánh động cơ đẩy để sử dụng. Hai nhánh được thiết kế để chỉnh hướng và một nhánh dùng để chỉnh đường bay trong không gian. Các kỹ sư đã khắc phục sự cố bất ngờ trong nhiều thập kỷ bằng cách thay đổi mục đích sử dụng một số bộ phận của tàu Voyager. Tuy nhiên, tình huống mới ở động cơ đẩy làm tăng thách thức.

Trên tàu Voyager 1, ống nhiên liệu ở nhánh động cơ đẩy chỉnh hướng đầu tiên bắt đầu bị tắc vào năm 2002, thúc đẩy chuyển sang dùng nhánh thứ hai. Khi nhánh thứ hai bắt đầu hoạt động năm 2018, tất cả hoạt động điều hướng của tàu Voyager 1 đều chuyển sang nhánh chỉnh đường bay. Nhưng trong quá trình sử dụng, nhánh này cũng bị tắc nghiêm trọng, thậm chí còn tệ hơn nhánh động cơ đẩy chỉnh hướng.

Do đó, JPL quyết định đổi trở lại về hệ thống động cơ đẩy chỉnh hướng, nhưng họ phải thực hiện điều đó với ít điện hơn năm 2002. Voyager 1 chỉ vận hành các hệ thống thiết yếu, thậm chí một số máy sưởi đã tắt. Trong tình hình thiếu máy sưởi và lượng nhiệt bức xạ ít ỏi từ vài hệ thống còn chạy trên tàu, nhánh động cơ đẩy chỉnh hướng đã lâu không hoạt động của Voyager 1 lạnh đến mức việc bật nó lên có thể gây hỏng hóc.

Sau khi kiểm tra tàu Voyager 1 kỹ lưỡng từ xa, nhóm kỹ sư ở JPL quyết định giải quyết bằng cách bật một máy sưởi trong một giờ. Lệnh điều khiển hiệu quả và ngày 27/8, một trong những nhánh động cơ đẩy chỉnh hướng giúp tàu Voyager 1 chĩa thành công về phía Trái đất lần đầu tiên trong 6 năm. Hồi tháng 6, các kỹ sư cũng giải quyết vấn đề truyền dữ liệu ảnh hưởng tới tàu vũ trụ suốt nhiều tháng. Các kỹ sư ở JPL lên kế hoạch duy trì bộ đôi tàu vũ trụ Voyager ít nhất tới kỷ niệm 50 năm nhiệm vụ vào năm 2027.

Cập nhật: 14/09/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video