Hình ảnh cồn cát xanh trên Hỏa tinh được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố nhân kỷ niệm 20 năm hoạt động tàu quỹ đạo Odyssey.
Bức ảnh có tên “Blue Dunes on the Red Planet” (cồn cát xanh trên hành tinh đỏ), được chụp bằng THEMIS (Thermal Emission Imaging System), camera hồng ngoại của Odyssey.
Theo Mashable, cồn cát này được tạo ra bởi những cơn gió mạnh, bao quanh mỏm cực Bắc của Hỏa tinh với kích thước tương đương bang Texas (Mỹ). Vị trí cồn cát trên Hỏa tinh là 80,3 độ vĩ bắc, 172,1 độ kinh đông.
Hình ảnh cồn cát trên Hỏa tinh đã được xử lý màu. (Ảnh: NASA).
Điểm nổi bật của bức ảnh là màu sắc. Theo NASA, bức ảnh này được chỉnh màu dựa trên nhiệt độ cồn cát. Cụ thể, màu vàng cam tượng trưng cho khu vực cồn cát ấm, màu xanh thể hiện khu vực có nhiệt độ thấp hơn.
NASA cho biết THEMIS có thể đo nhiệt độ bề mặt Hỏa tinh cả ngày lẫn đêm, giúp xác định đá, cát hoặc bụi. Dữ liệu từ THEMIS giúp phân tích sự xuất hiện của các thành phần dựa vào nhiệt độ trong ngày trên Hỏa tinh.
Laura Kerber, nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực NASA, nhà khoa học trưởng của dự án Odyssey, cho biết THEMIS giúp nhóm nghiên cứu biết thêm những kiến thức mới về Hỏa tinh. Nó cũng giúp vẽ nên bản đồ bề mặt Hỏa tinh một cách chi tiết.
Hình ảnh cồn cát trên Hỏa tinh được chụp năm 2009 bởi MRO. (Ảnh: NASA).
Trước đây, NASA từng chia sẻ hình ảnh cồn cát đã được xử lý màu trên Hỏa tinh, như bức ảnh năm 2009 được chụp bởi Vệ tinh Trinh sát Hỏa tinh (Mars Reconnaissance Orbiter - MRO). Màu của ảnh được xử lý để làm nổi bật các tiết như đỉnh cồn cát và gợn sóng tạo ra bởi gió thổi.
Hình ảnh cồn cát xanh mới nhất được kết hợp bởi những bức ảnh chụp từ tháng 12/2002-11/2004. Đây là một phần trong bộ ảnh được NASA công bố nhân kỷ niệm 20 năm sứ mệnh tàu quỹ đạo Odyssey.
Ngày 7/4/2001, Odyssey được phóng từ Trạm Không quân Mũi Canaveral, Florida, đi vào quỹ đạo Hỏa tinh vào tháng 10 cùng năm. Hiện tại, Odyssey là tàu vũ trụ trên Hỏa tinh hoạt động lâu nhất lịch sử.