Khoảng khắc về sự lụi tàn của một thiên hà mới đây đã được kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại.
Kính viễn vọng Hubble của NASA đã chụp được hình ảnh tuyệt đẹp về khoảnh khắc một thiên hà đang "hấp hối", có tên NGC 1947, từ chòm sao Dorado (Kiếm Ngư).
Khoảnh khắc về sự lụi tàn của thiên hà NGC 1947. (Ảnh: NASA).
Hơn 200 năm kể từ lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Scotland - Janes Dunlop, thiên hà có dạng thấu kính này đang dần mất đi khả năng thiết lập các vật chất cấu thành vòng xoắn ốc đặc trưng – cấu hình tạo nên quỹ đạo quay xung quanh trung tâm thiên hà. Và trong quá trình thực hiện nghiên cứu, các nhà thiên văn học phải dựa vào ánh sáng nền từ hàng triệu ngôi sao trong vùng lân cận mới có thể tìm ra những tàn tích mờ nhạt của nhánh xoắn ốc mang tính biểu tượng này.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sự tàn lụi và cái chết sau đó của thiên hà NGC 1947 là không thể đảo ngược, bức ảnh do kính viễn vọng Hubble chụp lại được đã cung cấp chi tiết về cách mà nó tiếp tục mất đi vật chất hình thành sao cơ bản, cụ thể là khí và bụi đã được giải phóng vào không gian.
Theo quy luật, khi các đám mây khí và bụi dày đặc sụp đổ dưới tác dụng của trọng lực cao, đám mây sẽ hình thành một đĩa vật chất làm xuất hiện ngôi sao mới. Tuy nhiên, nếu không có đủ khí và bụi để tạo thành những đám mây dày đặc đó, NGC 1947 sẽ tiếp tục mờ dần theo thời gian, các nhà thiên văn học cho hay.
Theo Sputnik, Hubble là kính viễn vọng lớn và mạnh nhất từng được phóng vào không gian cho tới hiện tại. Nó được đưa lên và hoạt động trên quỹ đạo của Trái đất tại độ cao khoảng 610km, cao hơn khoảng 220km so với độ cao quỹ đạo của trạm vũ trụ quốc tế ISS. Gần đây, nó đã cung cấp hình ảnh về trái tim phát sáng của thiên hà M61 – một khám phá đáng kinh ngạc về sự hình thành sao, giúp các nhà khoa học có thể hoàn tất việc phân loại M61 là thiên hà bùng nổ hình sao.