NASA đánh thức động cơ "ngủ yên" 40 năm trên tàu Voyager

NASA kích hoạt động cơ đẩy 40 năm ngủ yên nhằm cứu tàu vũ trụ bay ngoài hệ Mặt Trời có nguy cơ mất liên lạc và ngừng hoạt động.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) điều khiển tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 kích hoạt thành công bộ động cơ đẩy không hoạt động suốt 40 năm qua, theo New Atlas. Thử nghiệm hôm 28/11 được thực hiện bởi ban kiểm soát phi vụ ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) tại Pasadena, California, Mỹ, trong nỗ lực giữ cho con tàu thám hiểm không người lái hoạt động thêm ba năm nữa khi bay vào không gian liên sao.


Bộ đôi tàu Voyager 1 và Voyager 2 vẫn hoạt động sau 40 năm bay vào vũ trụ. (Video: Next).

Phóng vào vũ trụ cách đây 40 năm, Voyager 1 là vật thể nhân tạo du hành xa nhất và nhanh nhất cất cánh từ Trái Đất. Ở khoảng cách 22 tỷ km, tín hiệu từ tàu vũ trụ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân mất 19 giờ 35 phút để truyền đến một trong các ăng-ten thuộc Mạng vũ trụ sâu (Deep Space Network) của NASA ở Goldstone, California. Năm 2013, Voyager 1 trở thành tàu thăm dò đầu tiên tiến vào không gian liên sao. NASA hy vọng bộ pin phóng xạ của tàu sẽ tiếp tục hoạt động tới năm 2025.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian hoạt động của nguồn năng lượng hạt nhân trên tàu sẽ trở nên vô ích nếu Voyager không thể tiếp tục hướng ăng-ten chính về Trái Đất. Nếu tàu bắt đầu trôi nổi, nguy cơ mất liên lạc vĩnh viễn có thể xảy ra và con tàu vũ trụ sẽ tự động ngừng hoạt động. Để ngăn điều này xảy ra, tàu thăm dò được trang bị một bộ con quay hồi chuyển và 16 động cơ đẩy MR-103 hydrazine (8 động cơ chính và 8 động cơ dự phòng) do công ty Aerojet Rocketdyne chế tạo.

Những động cơ đẩy này giữ vai trò quan trọng trong những lần vận hành phức tạp như khi Voyager bay qua sao Mộc và sao Thổ. Chúng không chỉ đảm bảo con tàu đi theo đường bay súng cao su (slingshot) hoàn hảo giúp tăng tốc đủ nhanh để bay tới mục tiêu tiếp theo và cuối cùng thoát khỏi hệ Mặt Trời, mà còn rất cần thiết đối với việc giữ các ăng-ten trên tàu xếp thẳng hàng và quay đúng hướng.

Khi Voyager rời khỏi sao Thổ ba năm sau ngày bắt đầu nhiệm vụ, phần lớn động cơ đẩy trở nên dư thừa và NASA lệnh cho tàu thăm dò đóng tất cả và ngừng nổ động cơ để duy trì nguồn điện. Hiện nay, tàu chỉ dựa vào duy nhất 4 động cơ đẩy chính kiểm soát độ cao để tiếp tục quay về phía Trái Đất, sử dụng rất ít khí gas trong vài mili giây. Vấn đề là nhiên liệu đẩy ở hệ thống động cơ đẩy có hạn và bản thân các động cơ bắt đầu xuống cấp cách đây ba năm nên sinh ngày càng ít lực.


Minh họa tàu Voyager 1. (Ảnh: NASA).

Để Voyager 1 tồn tại, một nhóm chuyên gia về lực đẩy ở JPL đề nghị ban kiểm soát sứ mệnh khởi động lại 4 trong số những động cơ đẩy dự phòng Trajectory Correction Maneuver (TCM) không hoạt động từ năm 1980. Điều này đòi hỏi tìm lại dữ liệu từ những năm đầu tiên của dự án, đồng thời lập trình để các động cơ đẩy TCM nổ theo từng đợt ngắn khác với thiết kế.

Theo NASA, trong thử nghiệm vào thứ 4 tuần trước, tàu thăm dò nổ động cơ TCM trong 10 mili giây theo từng chuỗi ngắn. Kết quả cho thấy các động cơ này có thể giữ vai trò kiểm soát độ cao. NASA dự định kích hoạt 4 động cơ còn lại vào tháng 1 năm sau. Chúng sẽ được sử dụng để kiểm soát độ cao cho đến khi không còn đủ năng lượng, sau đó tàu thăm dò sẽ quay lại với hệ thống ban đầu.

NASA cũng lên kế hoạch kích hoạt động cơ tương tự trên tàu thăm dò Voyager 2, dự kiến tiến vào không gian liên sao trong vài năm nữa.

Cập nhật: 05/12/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video