NASA và Nhật Bản sẽ phóng vệ tinh gỗ đầu tiên trên thế giới

Vệ tinh gỗ mộc lan mang tên LignoSat hứa hẹn mở đường cho một thế hệ phương tiện vũ trụ mới không trở thành mối đe dọa sau khi "chết".

Theo thông báo từ NASA và JAXA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ và Nhật Bản), vệ tinh gỗ LignoSat có thể rời Trái đất vào mùa hè năm 2024.

Vệ tinh gỗ mộc lan này có kích cỡ bằng một ly cà phê, sẽ không trở thành những mảnh rác thải vũ trụ nguy hiểm sau khi hết thời hạn sử dụng bởi khả năng phân hủy sinh học.


Vệ tinh gỗ mộc lan LignoSat - (Ảnh: NASA/JAXA).

Nó sẽ không tự hủy trong môi trường chân không nơi quỹ đạo Trái đất, tuy nhiên sau khi sử dụng, các cơ quan vũ trụ có thể điều hướng vệ tinh rơi ngược vào bầu khí quyển Trái đất, nơi vật liệu gỗ dễ dàng cháy hết thành một loại tro mịn an toàn.

Theo Live Science, các cuộc thử nghiệm để tìm ra vật liệu gỗ tối ưu nhất cho vệ tinh đã được thực hiện trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) vào đầu năm nay.

Ba mẫu gỗ mộc lan, anh đào và bạch dương đã được thử nghiệm và không bị biến dạng khi tiếp xúc với môi trường không gian khắc nghiệt, vốn có sự thay đổi nhiệt độ đáng kể và ngập tràn các tia vũ trụ cường độ cao.

Cuối cùng gỗ mộc lan được lựa chọn vì nó ít có khả năng bị nứt, vỡ trong quá trình sản xuất.

Vệ tinh gỗ mộc lan của NASA và JAXA là một phần trong nỗ lực của các cơ quan vũ trụ khắp thế giới nhằm giải quyết vùng quỹ đạo Trái đất ngày một trở nên nguy hiểm vì rác vũ trụ.

Ước tính có hơn 9.300 tấn vật thể không gian, từ các vệ tinh không hoạt động, các mảnh tên lửa đã qua sử dụng... đang quay quanh Trái đất.

Các vật thể này làm tăng hơn 10% độ sáng tổng thể của bầu trời đêm, dẫn đến ô nhiễm ánh sáng, gây khó khăn cho hoạt động quan sát thiên văn.

Ngoài ra, các mảnh vỡ này là mối hiểm họa lớn cho các trạm vũ trụ, tàu vũ trụ bao gồm các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái đất hoặc đang tìm đường rời khỏi Trái đất.

Ông Takao Doi, phi hành gia kiêm kỹ sư hàng không vũ trụ tại Đại học Kyoto, nói rằng khi vệ tinh quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, chúng bị đốt cháy và tạo ra những hạt nhôm nhỏ trôi nổi ở tầng trung lưu suốt nhiều năm.

Theo thời gian, quá trình này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên Trái đất.


Ảnh mô phỏng số lượng rác vũ trụ trôi nổi xung quanh quỹ đạo Trái đất - (Ảnh: ESA).

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Kyoto đã thử nghiệm nhiều loại gỗ khác nhau trên ISS để tìm ra loại có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt trong không gian và các chuyến bay dài xung quanh quỹ đạo, bao gồm cả gỗ cây hoa anh đào Nhật Bản.

Kết quả cho thấy các mẫu gỗ không hề có dấu hiệu bị phân hủy hoặc hư hỏng sau 1 năm được đưa lên không gian.

“Khả năng chịu đựng điều kiện bất lợi này của chúng khiến chúng tôi kinh ngạc”, ông Koji Murata, người đứng đầu dự án, chia sẻ. Trong đó, gỗ từ cây mộc lan là loại chắc chắn nhất.

Khác với vệ tinh thông thường, vệ tinh gỗ LignoSat sẽ tự tiêu hủy một cách an toàn trên đường quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.

Ông Murata cho biết LignoSat sẽ được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Mỹ và hoạt động ít nhất 6 tháng.

Cập nhật: 21/02/2024 NLĐ/Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video