Quá trình xây dựng trạm vũ trụ quốc tế ISS - Sự hợp tác vĩ đại của nhân loại!

  •   52
  • 4.515

Đã bao giờ bạn ngắm bầu trời đầy sao rồi bất chợt bắt gặp một đốm sáng lướt qua? Nếu nó không nhấp nháy thì bạn đã có vinh dự tận mắt nhìn thấy một trong những kỳ công vĩ đại nhất lịch sử hợp tác nhân loại Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Gần bằng một ngôi nhà với 6 phòng ngủ và nặng hơn 320 chiếc xe ô tô, Trạm Vũ trụ Quốc tế lớn đến mức không có một tên lửa nào có thể đưa nó vào quỹ đạo. Thay vì đó, người ta lắp ráp từng mảnh trong khi nó lao vút trong không gian với vận tốc 28.000km/giờ tương đương bay trọn một vòng quanh Trái Đất chỉ trong 90 phút.

Trạm Vũ trụ Quốc tế lớn đến mức không có một tên lửa nào có thể đưa nó vào quỹ đạo
Trạm Vũ trụ Quốc tế lớn đến mức không có một tên lửa nào có thể đưa nó vào quỹ đạo.

Khởi đầu là khi 16 quốc gia đã ký kết Hiệp định Trạm Vũ trụ liên chính phủ. Nhiệm vụ được phân công cho từng quốc gia đối với trạm ISS, từ các mô-đun và công việc bảo trì, cho đến chia sẻ thông tin và tài chính. Ước tính khoảng 100 tỷ đô la Mỹ, Trạm Vũ trụ là thứ tốn kém nhất từng được chế tạo ra.

Cả thế giới đã theo dõi khi một tên lửa của Nga đã phóng mô-đun đầu tiên của ISS lên bầu trời. Zarya, được trang bị hai tấm pin năng lượng mặt trời và một hệ thống đẩy có nhiệm vụ quan trọng ngăn cho trạm vũ trụ còn non trẻ khỏi đâm vào Trái đất, giữ một khoảng cách an toàn là 400 km.

Tàu vũ trụ con thoi của Mỹ là Endeavour đã tiếp bước sau đó hai tuần, mang theo Unity, một mô-đun nút có chức năng kết nối các mô đun khác và một đội ngũ lắp ráp quốc tế 6 người. Sau đó đến mô-đun Zvezda, mang đến thông tin liên lạc và tiện nghi ăn ở.

Năm 2001 chứng kiến sự có mặt của Destiny, mô-đun đầu tiên trong 4 mô-đun nghiên cứu, nơi mà các phi hành gia dành khoảng 36 tiếng đồng hồ mỗi tuần tiến hành các thí nghiệm về trọng lực.

Mô-đun Destiny.
Mô-đun Destiny.

Mô-đun Destiny cũng điều khiển cánh tay robot bảy khớp Canadarm2, có khả năng di chuyển khối lượng hơn 100.000kg. Nó rất phù hợp để bốc dỡ những chuyến hàng mới từ tàu con thoi.

Năm 2001 là một năm bận rộn của ISS vì có thêm mô-đun Quest, khoang điều áp chính cho phép ra ngoài không gian và Pirs, một cảng cập bến cho các tàu vũ trụ của Nga, bao gồm cả tàu cứu hộ khẩn cấp Soyuz luôn trong tình trạng sẵn sàng.

Kể từ khi những vị khách đầu tiên đặt chân lên ISS, trạm đã liên tục có người ở, đã có tới hàng trăm vị khách với thời gian ở trung bình là 6 tháng. Thời gian biểu của họ đầy kín với các bài tập thể dục, hai giờ mỗi ngày để tránh nhão cơ, bảo trì và sửa chữa trạm, và liên lạc về gia đình hoặc với những bộ óc phi thường trên toàn thế giới. Nhưng họ vẫn có thời gian giải trí, thường xuyên có những tối xem phim và thậm chí quay video âm nhạc đầu tiên trên vũ trụ.

Vào tháng hai 2003, sau khi đưa những mô-đun nghiên cứu lên trạm ISS, Phi thuyền con thoi Columbia đã nổ tung khi bay về Trái đất, đã cướp đi sinh mạng của 7 phi hành gia . Sau bốn năm gián đoạn, công việc đã nhanh chóng bắt kịp tiến độ với thêm các trung tâm, khoang điều áp, cảng và một vòm quan sát cho góc nhìn 360 độ về thế giới chúng ta và thế giới ngoài kia. Những bộ phận quan trọng khác gồm các bệ và giàn nâng đỡ hệ thống tản nhiệt và các tấm năng lượng mặt trời cung cấp đủ điện cho 55 ngôi nhà.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - kỳ công vĩ đại nhất lịch sử hợp tác nhân loại.
Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - kỳ công vĩ đại nhất lịch sử hợp tác nhân loại.

Mất tới 10 năm và hơn 30 nhiệm vụ và cuối cùng Tram Vũ trụ Quốc tế cũng hoàn thành, đồng thời kết thúc Chương trình Tàu con thoi của Mỹ. Trạm Vũ trụ ISS tiếp tục sứ mệnh phục vụ như một minh chứng tuyệt vời về sự hợp tác quốc tế. Hiện nay, một số phi hành gia được cho phép ở lại trên ISS lâu hơn, để các nhà khoa học tìm hiểu về những tác động lâu dài lên cơ thể và tâm lý khi ở ngoài vũ trụ, điều này sẽ rất hữu dụng cho tham vọng du hành vũ trụ ngày càng lớn, như du hành đến sao Hỏa.

Trong suốt lịch sử của ISS, chúng ta không chỉ có được kho kiến thức khoa học rất lớn mà còn học cách làm việc cùng nhau để đạt được những thành tựu vĩ đại.

Cập nhật: 20/11/2019 Theo Tinh Tế
  • 52
  • 4.515