Ngày thi đấu thứ 3 trong khuôn khổ các trận thi đấu ở bảng E, F được xem là không may mắn đối với 2 đại diện Robocon được đánh giá là đội mạnh khu vực phía Bắc.
Mặc dù được đánh giá là những đội mạnh nhưng cả CNĐT03 của ĐH Công nghiệp HN và BK-FET đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội đều không gặp may tại vòng chung kết Robocon 2009.
BK-FET là đại diện duy nhất của trường Đại học Bách khoa HN sử dụng nhiều công nghệ thiết kế robot như: thiết kế cảm biến để đo góc nghiêng giúp việc giữ cân bằng cho robot trên kiệu Kago luôn ổn định; sử dụng sóng siêu âm các cột để giúp các robot tránh được các chướng ngại vật trên đường về đích; sử dụng la bàn điện tử có tác dụng bẻ lái điều khiển robot giúp cho các robot chạy chính xác. Tuy nhiên, việc tích hợp các công nghệ nói trên của BK-FET cũng không thể giúp họ giành tấm vé bước vào vòng 1/16.
Đại diện BTC cuộc thi cho biết, ngoài BK-FET của ĐH Bách khoa HN sử dụng những công nghệ mới nói trên thì hiện nay chưa có đội tuyển nào sử dụng những công nghệ này.
Tương tự BK-FET, mặc dù được đánh giá là đội mạnh với lối thi đấu ổn định nhưng đại diện duy nhất của Đại học Công nghiệp Hà Nội là CNĐT03 cũng không giành được chiến thắng tại ngày thi đấu thứ 3 của vòng chung kết Robocon 2009.
Ngược lại với các đội tuyển khu vực phía Bắc, các đội tuyển Robocon khu vực phía Nam đã có một ngày thi đấu rất ấn tượng và may mắn.
Kết thúc ngày thi đấu thứ 3, 4 đội tuyển Robocon khu vực phía Nam đều đã lọt vào vòng 1/16.
Như vậy, với tư cách là đội nhất bảng F, SQ_PDH11 SQ của Trường Chỉ huy Kỹ Thuật; S2EN# ĐH Lạc Hồng (nhì bảng F) và đội đứng đầu bảng E là BK-AMT của ĐH Bách khoa TP.HCM và 07 STAR- Đại học Lạc Hồng sẽ cùng với các đội giành chiến thắng tại các bảng A,B,C,D bước tiếp vào vòng trong.