Lưới, con thuyền bây giờ luôn gợi cho anh Tôn Hiển nỗi ám ảnh. Con thuyền ấy đã mang về những con ốc biển để rồi gia đình anh không bao giờ gặp đứa con trai 7 tuổi. Vụ ngộ độc mới nhất ở tỉnh Phú Yên đã xảy ra. Khi đó, 3 cha con anh bị ngộ độc do ăn loài ốc lạ, chỉ có hai người may mắn được cứu sống.
Theo các báo cáo về tình hình ngộ độc thực phẩm những năm qua ở các tỉnh miền Trung, số trường hợp ngộ độc thực phẩm gây tử vong nhiều nhất vẫn bắt nguồn từ nguyên nhân ăn hải sản có độc. Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang bước đầu đã xác định danh mục các loài thủy sản có độc bao gồm hàng chục loài cá nóc, mực tuộc đốm xanh, những loài rắn biển… Danh mục này đã được in thành những tờ rơi, poster để phổ biến cho người dân.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phải thừa nhận một thực tế, đây vẫn là công việc khá mới mẻ đối với khoa học Việt Nam. Ngoại trừ cá nóc - đến lúc này về cơ bản việc nhận dạng có thể làm được, còn các loại thủy sản mang độc tố khác, đối với người dân vẫn còn mơ hồ. Thậm chí một loài thủy sản như vẹm xanh vốn rất quen thuộc nhưng đôi lúc cũng gây ngộ độc đối với người tiêu dùng.
Tiến sỹ Đặng Văn Hợp, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang cho biết: "Ý tưởng mà các nhà khoa học cùng thống nhất là phải xây dựng bản đồ về thủy sản độc. Nói một cách dễ hiểu, cần phải đưa đến người dân danh mục bao gồm mô tả chi tiết về hình dạng thủy sản độc, thậm chí cả ngư trường nơi chúng thường sinh sống."
Cũng theo TS. Hợp, sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí, việc xây dựng bản đồ thủy sản độc mới thực hiện được. Vì vậy, ngay lúc này, lời khuyến cáo từ các nhà khoa học là: Cần thận trọng khi sử dụng những loài thủy sản không quen thuộc