Nếu mất đi sự kìm hãm do lực hấp dẫn của ngôi sao mẹ, 4 hành tinh khổng lồ của hệ HR 8799 sẽ bị đổi vị trí, có thể là bắn tung ra ngoài không gian vô định.
Bằng cách "soi" vào một hệ sao khác là HR 8799 nằm trong chòm sao Pegasus, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý Dmitri Veras từ Đại học Warwick (Anh) đã lập nên mô hình máy tính cho thấy hệ này sẽ "chết" như thế nào.
Hệ hành tinh khổng lồ HR 8799 - (Ảnh: NASA).
Theo Live Science, ngày tận thế của hệ này cũng sẽ là ngày chết của ngôi sao mẹ HR 8799. Đây là một hệ sao trẻ nên các bước tiến hóa của nó được thể hiện rõ ràng, giúp việc tính toán ra cách nó "chết" thuận lợi hơn các hệ sao già khác. Sao mẹ HR 8799 chỉ mới 30 triệu đến 40 triệu năm tuổi (Mặt trời của chúng ta đã 4,6 tỉ tuổi). Các hành tinh quay quanh nó theo một nhịp điệu nhịp nhàng: ví dụ nếu hành tinh xa nhất quay 1 vòng quanh sao mẹ thì cùng thời gian đó hành tinh xa nhì sẽ hoàn thành 2 vòng, hành tinh tiếp theo 4 vòng, hành tinh trong cùng 8 vòng.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society cho biết với sự hợp nhất quỹ đạo hoàn hảo như thế, hệ sao này sẽ rất dễ bị tác động trước những thay đổi không mong muốn – ví dụ như khi ngôi sao mẹ chết và đột ngột lực hấp dẫn ràng buộc các hành tinh này vào vũ điệu biến mất.
Khi đó, ngôi sao mẹ sẽ phình to thành một sao khổng lồ đỏ, trong khi các hành tinh sẽ bị chuyển đổi vị trí nghiêm trọng. "Các hành tinh sẽ phân tán lực hấp dẫn ra khỏi nhau. Hành tinh trong cùng sẽ bị bắn ra khỏi hệ thống. Cũng có khi nạn nhân là hành tinh thứ 3, hoặc sẽ nhiều hơn 1 hành tinh bị bắn đi, hoặc hành tinh thứ 2 và thứ tư có thể chuyển đổi vị trí...", tiến sĩ Veras giải thích.
Đó sẽ là một thảm họa không gian khủng khiếp, với nạn nhân là 4 gã khổng lồ: mỗi hành tinh trong hệ này đều nặng khoảng 5 lần khối lượng sao Mộc, trong khi sao Mộc đã nặng bằng 318 Trái đất.