Khối đá tuyết như bom nguyên tử ở thảm họa Chamoli làm 204 người chết

  •  
  • 1.028

Các nhà khoa học lý giải nguyên nhân của thảm họa kinh hoàng tại Chamoli, Ấn Độ vào tháng 2, cướp đi sinh mạng 204 người và phá hủy hạ tầng thủy điện trị giá hàng trăm triệu USD.

Hồi tháng 2, một khối đá bùn và băng tuyết có kích thước lớn gấp 4 lần chiều dài Empire State của Mỹ - một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới - đã đổ dồn với tốc độ kinh hoàng xuống thung lũng tại quận Chamoli, miền Bắc Ấn Độ. Trận lũ kinh hoàng này đã khiến 204 người thiệt mạng và phá hủy hoàn toàn 2 nhà máy thủy điện.

BBC ngày 14/6 đã trích dẫn một bản báo cáo của 50 nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá chi tiết nguyên nhân và toàn bộ sự việc đã xảy ra. Bản báo cáo này rút ra kết luận dựa vào nhiều nguồn dữ liệu, từ hình ảnh vệ tinh cho đến quan sát thực nghiệm.

Sức nặng khủng khiếp

Rạng sáng 7/2, một khối đá ở độ cao 6 km đã bất ngờ rơi xuống, phá vỡ mảnh sông băng rộng hơn 500 m, dày 180 m trên đỉnh Ronti Peak thuộc dãy Himalaya của Ấn Độ.

Ngay khi khối đá này va chạm với sông băng, chúng vỡ ra và làm băng tan chảy, tạo thành một bức tường nước lớn cùng với các mảnh vụn đổ dồn xuống thung lung bên dưới - nơi đặt nhà máy thủy điện Rishiganaga và Tapovan có hàng trăm công nhân đang làm việc.

Nhà máy thủy điện Tapovan Vishnugad bị phá hủy sau trận lũ kinh hoàng ngày 7/2
Nhà máy thủy điện Tapovan Vishnugad bị phá hủy sau trận lũ kinh hoàng ngày 7/2. (Ảnh: Insider).

Các nhà nghiên cứu tính toán, gần 27 triệu m3 đá và băng đã rơi xuống thung lũng - gấp khoảng 10 lần so với kích thước Kim tự tháp Giza ở Ai Cập, đủ để bao phủ hơn 1.600 sân bóng đá sâu trong 3 m bùn đất mà vẫn thừa.

Khi rơi xuống thung lũng Ronti Gad, khối đá băng này giải phóng năng lượng tương đương với 15 quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima. “Thành phần ban đầu của trận lở tuyết là khoảng 20% là băng, 80% là đất đá. Với kết cấu đó, kết hợp với cú rơi gần 2 km đã tạo ra đủ nhiệt và ma sát làm tan chảy hoàn toàn băng (gây ra một cơn lũ trút xuống thung lũng)”, tiến sĩ Dan Shugar từ Đại học Calgary, Canada - trưởng nhóm nghiên cứu giải thích.

Khi va chạm, khối đá băng ngay lập tức vỡ tung tóe, bắn văng các mảnh vỡ trong bán kính 10 m, đồng thời vụ nổ khí cũng san phẳng 20 ha rừng gần đó.

Vào thời điểm cuốn qua nhà máy thủy điện Rishiganga, dòng chảy có vận tốc 90 km/h - tương đương với tốc độ của một ôtô đang di chuyển nhanh. Thậm chí sau khi chảy được 10 km đến khu vực nhà máy Tapovan, dòng chảy vẫn di chuyển với tốc độ khoảng 57 km/h, khiến cho 204 người đang có mặt tại hai nhà máy thiệt mạng.

Cần xem xét lại

Vào thời điểm đó, có một vài suy đoán rằng phần lớn nước trong dòng chảy có thể đến từ một hồ băng bị vỡ ở Himalaya. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã bác bỏ khả năng này. Nhiều người đồn đoán biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra thảm họa. Nhóm nghiên cứu kết luận khí hậu nóng lên không được coi là nguyên nhân dẫn đến sự kiện này. Tuy nhiên, quan điểm của họ nhấn mạnh tần suất đá nứt ra trên dãy Himalaya đang tăng lên do nhiệt độ tăng.

“Việc xác định nguyên nhân cụ thể gây ra thảm họa này là rất khó”, giáo sư Jeffrey Kargel từ Viện Khoa học Hành tinh ở Arizona, Mỹ, đồng tác giả bài nghiên cứu, cho biết. “Theo dữ liệu từ kho vệ tinh lưu trữ, khối đá băng này bắt đầu có dấu hiệu trượt dốc từ 4 năm trước. Thật không may là không ai để ý điều này”.

Hoạt động cứu hộ diễn ra tại hai nhà máy.
Hoạt động cứu hộ diễn ra tại hai nhà máy. (Ảnh: Down To Earth).

Câu hỏi đặt ra là nghiên cứu này sẽ có ý nghĩa thế nào đối với những người đang sinh sống và làm việc tại vùng núi cao của Uttarakhand.

Kavita Upadhyay - chuyên gia chính sách về nước và nhà báo Ấn Độ viết về môi trường tự nhiên và năng lượng thủy điện trong khu vực - khẳng định cần phải suy xét hợp lý khi xây dựng các cơ sở hạ tầng tại một khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lở đất, lũ lụt và động đất.

“Đây không phải lần đầu tiên các nhà máy điện bị phá hủy”, bà nói. “Trong các trận lũ lụt năm 2012, 2013 và 2016, chúng đã bị hư hại nặng nề. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục đặt nhà máy tại một khu vực mong manh như vậy hay không. Ít nhất, họ cũng nên đặt hệ thống cảnh báo thiên tai tại các nhà máy hoặc trong khu vực này”.

Theo Insider, một hệ thống cảnh báo - gồm cảm biến địa chấn theo dõi dấu hiệu động đất hoặc đất đá dịch chuyển - có thể thông báo trước khi lũ ập đến từ 6 đến 10 phút cho người dân để họ tìm nơi trú ẩn.

“Thảm họa Chamoli một lần nữa cho thấy rằng con người đang đánh giá quá thấp mối đe dọa từ việc lắp đặt cơ sở hạ tầng tại khu vực núi cao”, đồng tác giả bài nghiên cứu, Giáo sư Dave Petley từ Đại học Sheffield, Vương quốc Anh đồng tình với quan điểm của nhà báo Ấn Độ.

Theo ông, nếu con người không đánh giá lại mối đe dọa, rất có thể trong tương lai nhân loại sẽ phải trả giá đắt về con người, kinh tế, xã hội và môi trường liên quan đến các hoạt động này. Nghiên cứu trên Insider chỉ ra rằng: "chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi sự kiện tương tự xảy ra ở đâu đó trên dãy Himalaya".

Cập nhật: 16/06/2021 Theo Zing
  • 1.028