Các nhà nghiên cứu người Áo khẳng định, nghe các bản giao hưởng của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart không giúp con người thông minh hơn.
Nhóm nhà khoa học đến từ ĐH Vienna đã thu thập các nghiên cứu về “tác động Mozart”, được đưa ra lần đầu vào năm 1993.
Nghiên cứu đầu tiên cho thấy thanh thiếu niên mới lớn sau khi nghe bản Sonata 1781 cho piano của Mozart có kết quả kiểm tra tốt hơn những người nghe các loại nhạc khác hoặc chỉ ngồi trong phòng yên lặng.
Tuy nhiên, sau khi phân tích khoảng 3.000 trường hợp trong 40 nghiên cứu khác được tiến hành trên khắp thế giới, nhóm của ĐH Vienna không tìm thấy bất kỳ một bằng chứng nào chứng minh “tác động Mozart” thực sự tồn tại.
Nghe nhạc Mozart không giúp con người thông minh hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu Jakob Pietschnig cho biết: “Những người thường xuyên nghe nhạc, dù là nhạc Mozart hay nhạc nào khác đều có kết quả cao hơn những nhóm người khác. Điều này chỉ có nghĩa là con người có thể làm tốt hơn nếu có một tác nhân kích thích nhất định nào đó”.
Ông cũng cho biết thêm, nghiên cứu năm 1993 của ĐH California chỉ khảo sát đối với 36 học sinh, vì vậy có thể có sự sai lệch.
Khi nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Thiên nhiên đã tạo ra một luồng dư luận lớn. Các trường học tại Mỹ thường xuyên cho học sinh nghe nhạc cổ điển và những chiếc đĩa CD “Baby Mozart” cho trẻ em được bán trên khắp thế giới.
Tiến sĩ Pietschnig nhận định: “Tôi khuyến khích mọi người nghe nhạc Mozart nhưng điều này không có nghĩa là nó có thể tăng cường khả năng nhận thức cũng như trí tuệ như nhiều người hy vọng”.
Nguồn: Mail Online