Paracetamol không lành như ta tưởng

  •  
  • 726

Loại thuốc này nổi tiếng là "võ sĩ hiền lành trong làng hạ nhiệt giảm đau". Nhưng ở liều thường dùng, nó đã cướp đi một lượng đáng kể glutathion - chất giúp chống lại các bệnh hiểm nghèo.

Paracetamol còn có tên là acetaminophen, được tổng hợp ra từ năm 1886. Nửa thế kỷ sau, nó được chứng minh là có thể dùng giảm đau cho người. Với cùng một lượng thuốc, ở liều điều trị, nó có tác dụng hạ sốt, giảm đau tương tự aspirin nhưng không gây hại như aspirin (không hại dạ dày - tá tràng, không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, an toàn cho trẻ em và bệnh nhân sốt virus, sốt xuất huyết).

Không loại thuốc nào hoàn toàn vô hại. (Ảnh: Corbis)

Do đó, nó được dùng rộng rãi để điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa, dùng được cho trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên.

Kẻ lấy cắp của quý

Glutathion là một chất trong gan giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhất là các bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Nó có tác dụng thải trừ, vô hiệu hóa chất độc và thải ra ngoài, làm chậm lão hóa, bảo vệ não, tim, gan, thận, hồng cầu...

Khi sử dụng paracetamol, ngay ở liều thường dùng, cơ thể đã mất một lượng glutathion đáng kể. Việc dùng paracetamol trong nhiều ngày sẽ làm cạn kiệt glutathion, suy yếu sức đề kháng. Khi ấy, chỉ cần một lượng vi khuẩn, virus nhỏ cũng đủ gây bệnh nguy hiểm.

Ở liều cao (trên 150 mg/kg thể trọng với trẻ em, trên 10 g với người lớn), cơ thể không đủ glutathion để chuyển hóa. Tế bào gan sẽ bị hủy hoại dẫn đến giảm chức năng không hồi phục; gây sốc, co giật, nghẹt thở, hôn mê rồi tử vong sau vài ngày.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 726