Nhà Vật lý Stephen Hawking đã không lãng phí bộ óc thiên tài với IQ 160 khi ông tiếp tục cống hiến cho ngành khoa học, phá bỏ lời chẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm hai năm.
- Video: Phim về cuộc đời thời trẻ của Stephen Hawking
- Stephen Hawking - Tiểu sử và các cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông
- Stephen Hawking đưa ra giả thuyết không tưởng về lỗ đen vũ trụ
- Giải mã sự sống của Stephen Hawking - người mắc chứng "hóa đá"
Cuộc đời đầy thăng trầm của thiên tài Stephen Hawking
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942, đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất nhà Vật lý, Thiên văn và Toán học người Italy Galileo Galile, tại Oxford, Anh. Ông là con cả trong một gia đình có 4 anh em (em út được nhận nuôi). Bố mẹ ông, Frank và Isobel Hawking, đều là cựu sinh viên Đại học Oxford.
Theo lời kể từ một người bạn, gia đình Hawking sống khác người. Các thành viên thường vừa ăn vừa im lặng đọc sách trong bữa tối. Họ cũng nuôi ong dưới tầng hầm và tự chế pháo hoa trong nhà kính.
Năm 1950, ông Frank Hawking nhận chức trưởng bộ môn Ký sinh trùng tại Viện Nghiên cứu Y học Quốc gia. Gia đình ông chuyển tới thành phố St Albans thuộc hạt Hertfordshire. Ông muốn hướng con trai cả theo con đường y học nhưng ngay từ nhỏ, cậu bé Stephen đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với khoa học và vũ trụ.
Stephen Hawking trò chuyện cùng hai nhà Vật lý David Gross và Edward Witten sau Hội nghĩ Strings năm 2001 tại Ấn Độ. (Ảnh: Biography).
Thời kỳ đầu đến trường, ông là học sinh thông minh nhưng kết quả học tập không mấy nổi trội. Khi còn học tại trường Byron House, ông thậm chí không thể đọc thông viết thạo và đổ lỗi cho phương pháp dạy của giáo viên.
Năm 8 tuổi, Stephen Hawking học tại trường Trung học nữ sinh St Albans (thời đó, những cậu bé ít tuổi có thể học trường nữ sinh). Trong những năm đầu tại đây, ông là một trong ba người học kém nhất lớp.
Năm 13 tuổi, ông được cha hướng vào trường Westminster danh giá, nhưng Hawking bị ốm vào ngày thi học bổng. Gia đình không đủ khả năng trả học phí nên ông tiếp tục học tại St Albans. Ông cùng nhóm bạn thân thường chơi cờ bàn, một trò chơi trí tuệ giúp phát triển tư duy, khả năng suy luận, giao tiếp và phán đoán, chế tạo pháo hoa, mô hình máy bay, tàu thuyền.
Năm 1958, nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo dạy Toán Dikran Tahta, họ chế tạo thành công chiếc máy tính bằng linh kiện lấy từ đồng hồ, điện thoại cũ và các vật liệu tái chế khác.
Mặc dù bạn bè thường gọi Stephen Hawking là “Einstein”, kết quả học tập của ông không thật sự xuất sắc. Tuy nhiên, Hawking bộc lộ tài năng trong lĩnh vực khoa học. Nghe theo lời khuyên của thầy Tahta, ông quyết định học Toán. Cha ông khuyên nên học Y vì lo ngại theo Toán không dễ xin việc.
Nghe lời cha, Stephen Hawking theo Đại học College ở Oxford nhưng học ngành Vật lý và Hóa học vì trường không có ngành Toán. Tháng 3/1959, ông tham gia kỳ thi và được cấp học bổng.
Tháng 10/1959, Stephen trở thành sinh viên Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Trong 18 tháng đầu, ông luôn cảm thấy chán nản và cô đơn vì ít tuổi hơn các sinh viên khác và... việc học quá dễ dàng.
Sau này, Robert Berman, Giáo sư Vật lý của ông, nhận xét về cậu sinh viên tài năng: “Chỉ cần biết điều đó có thể thực hiện, cậu ta sẽ làm nó mà không cần nghiên cứu cách của người khác”.
Trong năm học thứ hai, Stephen Hawking muốn hòa nhập với bạn bè, trở thành một người năng động, dí dỏm. Ông tham gia câu lạc bộ chèo thuyền của trường. Theo các huấn luyện viên, Hawking là sinh viên táo bạo, thường dẫn dắt đội của mình đi theo các tuyến đường nguy hiểm khiến thuyền bị hư hại.
Ông không chú trọng lắm việc học và thường chỉ học một giờ mỗi ngày. Cách học tập này khiến ông gặp trở ngại trong các kỳ thi vì ông chỉ trả lời các câu hỏi Vật lý lý thuyết và bỏ qua những câu đòi hỏi kiến thức thực tế. Trong khi đó, ông cần một tấm bằng danh dự hạng nhất để có thể trúng tuyển ngành Vũ trụ học tại Đại học Cambridge như dự định.
Kỳ thi diễn ra căng thẳng, kết quả của Hawking nằm giữa ranh giới hạng nhất và nhì. Ông cần thêm một bài thi vấn đáp để phân hạng.
Hawking lo lắng các giám khảo sẽ coi ông là thí sinh lười nhác, khó tính nên khi được yêu cầu mô tả kế hoạch tương lai, ông nói: “Nếu các vị cho tôi hạng nhất, tôi sẽ tới Cambridge. Nếu nhận hạng nhì, tôi sẽ ở lại Oxford. Vì thế, tôi hy vọng các vị cho tôi hạng nhất”.
Cuối cùng, Hawking nhận hạng nhất và bắt đầu theo đuổi chương trình tiến sĩ tại đại học hàng đầu nước Anh.
Đây là một trong những thời điểm khó khăn trong cuộc đời nhà vật lý thiên tài khi ông không được hướng dẫn bởi giáo sư mong đợi, đồng thời gặp vấn đề về sức khỏe. Sau khi mắc bệnh xơ cứng teo cơ, được bác sĩ chẩn đoán không thể sống quá hai năm, Hawking suy sụp.
Các bác sĩ khuyên ông tiếp tục nghiên cứu nhưng ông cảm thấy không còn ý nghĩa. Tuy nhiên, mối quan hệ với Jane Wilde, bạn của em gái ông, đã tiếp thêm nghị lực sống cho nhà khoa học thiên tài. Sau này, Hawking cho biết, chính lễ đính hôn vào tháng 10/1964 cho ông “lý do để sống”.
Ông quay trở lại với các nghiên cứu, căn bệnh cũng tiến triển chậm hơn so với bác sĩ dự đoán, đồng thời phá bỏ lời chẩn đoán ban đầu về thời gian sống của Hawking.
Tổng thống Barack Obama trò chuyện với Stephen tại Nhà Trắng trước buổi lễ trao Huân chương Tự do Tổng thống ngày 12/8/2009. (Ảnh: Biography).
Tháng 9/1964, Stephen Hawking bắt đầu nổi danh về trí tuệ thiên tài cùng tính cách đặc biệt sau bài thuyết trình công khai thách thức công trình nghiên cứu của nhà thiên văn học lừng danh Fred Hoyle và sinh viên ông này.
Sự nghiệp nghiên cứu của ông bắt đầu phát triển nhanh chóng với các vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học như thuyết vụ nổ Big Bang, thuyết vũ trụ tĩnh tại. Ông cũng có nhiều nghiên cứu về hố đen.
Năm 1973, Stephen Hawking xuất bản cuốn sách đầu tiên với tựa đề “The Large Scale Structure of Space-Time”. Năm 1974, ông nổi tiếng trong giới khoa học toàn thế giới khi chứng minh hố đen phát ra bức xạ.
Năm 1975, ông trở lại Cambridge và trở thành giáo sư vật lý năm 35 tuổi. Năm 1976, ông nhận Huy chương Albet Einstein và bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Oxford.
Đến cuối thập niên 70, bệnh tình của ông trở nên nghiêm trọng. Ngoài người nhà và bạn bè thân thiết, hầu như không ai hiểu ông đang nói gì. Tuy nhiên, thiên tài với IQ 160 vẫn cố gắng cống hiến cho ngành khoa học và vượt qua bệnh tật.
Năm 1979, ông được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học Lucas, danh tiếng hàng đầu tại Đại học Cambridge, cũng như trên thế giới. Isaac Newton và Paul Dirac từng được bổ nhiệm chức danh này.
Thời gian tiếp theo, ông tích cực nghiên cứu, đồng thời liên tục gặp vấn đề về sức khỏe.
Năm 2009, ông rơi vào tình trạng nguy kịch. Người phát ngôn Đại học Cambrigde thông báo, giáo sư Hawking "đã nhập viện và đang rất yếu". Các tờ báo bắt đầu đăng tải những bài tóm lược cuộc đời ông như cáo phó sớm, theo Biography.
Tuy nhiên, một lần nữa, nhà vật lý thiên tài lại vượt qua. Đây dường như là một kỳ tích y học vì phần lớn người mắc chứng xơ cứng teo cơ rất khó sống quá 20 năm.
Stenphen Hawking trao đổi cùng ông Gerard t'Hooft, người từng nhận giải Nobel, trong buổi trình bày giả thuyết mới của ông tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH hồi tháng 8/2015. (Ảnh: Washington Post).
Stephen Hawking là một nhà khoa học vĩ đại không chỉ nhờ bộ não thiên tài cùng nghị lực sống phi thường và những đóng góp to lớn trong ngành Vật lý và Thiên văn, mà còn bởi tính cách đặc biệt của ông. Hawking chưa từng tỏ ra là người bảo thủ với kết quả nghiên cứu của bản thân.
Với tinh thần khoa học nghiêm túc, năm 1985, ông từng thừa nhận sai lầm của bản thân. Tháng 7/2004, ông lại khiến giới nghiên cứu chấn động khi khẳng định thuyết của mình còn thiếu thuyết phục khi cho rằng những xoáy đen nuốt chửng vật chất và hình thành khi các ngôi sao bị huỷ diệt, và vật chất đang biến mất qua lỗ đen tới một vũ trụ mới.
Tên tuổi ông gắn liền lý thuyết về hố đen vũ trụ. Suốt hơn 30 năm kể từ ngày công bố phát hiện đầu tiên về hiện tượng thiên văn này, Hawking luôn trăn trở, kiểm chứng nó qua thực nghiệm.
Ngày 25/8/2015, nhà Vật lý lừng danh trình bày giả thuyết mới về hố đen trước sự theo dõi của những khoa học gia danh tiếng và giới truyền thông tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm, Washington Post đưa tin.