Nghị lực thép của thiên tài khiếm thính Lutvich van Bethoven

  •  
  • 4.682

Khi nghiên cứu mớ tóc của Bethoven bằng những phương pháp tiên tiến nhất, các nhà khoa học đã xác định hàm lượng chì trong tóc cao gấp 100 lần giới hạn an toàn.

Có giả thuyết là Bethoven đã bị nhiễm độc chì tại trại điều dưỡng, nơi ông đã dùng nước khoáng để uống và sinh hoạt. Sự phát hiện này là hoàn toàn bất ngờ bởi nó đã xoá đi mọi giả thuyết hiện tại có liên quan đến những năm cuối đời về cái chết của nhà soạn nhạc. Ngoài ra tác động rất tai hại đến não, không loại trừ khả năng là sự nhiễm độc này còn là nguyên nhân gây ra bệnh điếc và tính khí kỳ quặc của Bethoven.

Nhạc sĩ L.V. Bethoven.

Bệnh điếc

Vấn đề về thính giác đã xuất hiện ở nhà soạn nhạc vào năm ông 28 tuổi. Các bác sĩ thời đó nhận định rằng, nguyên nhân của điều này có thể là bệnh ở khoang bụng. Bethoven thường than phiền chứng đau bụng là "bệnh thường ngày của tôi". Vào mùa hè năm 1796, bệnh của ông đã tái phát ở thể nặng. Có một số những giả thuyết nữa. Nhà viết tiểu sử về Bethoven là E.Errio nói về những nguyên nhân khác của bệnh điếc: "Quả thật là bệnh này có phát sinh vào năm 1796 sau một cơn sốt cao hay không, hay nguyên nhân của nó là từ bệnh đậu mùa đã làm cho khuôn mặt của Bethoven đầy vết rỗ hoa? Chính ông cũng đã gán cho bệnh điếc những bệnh của các cơ quan nội tạng và chỉ ra rằng bệnh đã bắt đầu từ tai trái". Bệnh cúm và chấn thương não cũng được coi là những nguyên nhân, nhưng khi đó đã không có một giả thuyết nào lý giải được tính đặc biệt về chứng mất thính giác của Bethoven cả. Người ta kê đơn cho ông các loại thuốc hoàn tán, dầu hạnh nhân, trị liệu tắm hơi... Qua tìm hiểu biết được hình như người ta chữa bệnh lãng tai cho trẻ em bằng phương pháp "tĩnh điện" nên Bethoven muốn thử cách này cho mình. Tuy vậy bệnh điếc vẫn tiến triển và ngày càng nặng hơn. Trong một bức thư, nhà soạn nhạc đã cho thấy những dấu hiệu "có tiếng ồn và tiếng rít trong hai tai tôi suốt cả ngày đêm". Những người xung quanh mà thoạt tiên là người bạn thân Ris bắt đầu nhận ra bệnh điếc của Bethoven. Vào năm 1802 Ris đã đi dạo cùng với nhà soạn nhạc ở quanh làng Geilygenstadt cách thành Viên không xa. Ris đã lưu ý Bethoven về một giai điệu hay mà có ai đó đang thổi bằng sáo mục đồng. Nửa tiếng sau Bethoven cố căng tai nghe và không nghe thấy gì nữa.

Di chúc

Bethoven đã sống ở Geilygenstadt từ mùa xuân đến mùa thu năm 1802 theo lời khuyên của bác sĩ điều trị Smith. Ông giáo sư này hy vọng rằng cuộc sống ở nông thôn sẽ giúp ích cho bệnh nhân. Nhà soạn nhạc đã hoàn toàn ẩn mình giữa cảnh thiên nhiên hữu tình. Tại đây ông đã hoàn thành tác phẩm về niềm vui sống -bản giao hưởng số 2. Ông làm việc căng thẳng với những bản nhạc tươi sáng như bản Xô-nát đoản ca 31 số 3 và các khúc biến tấu đoản ca 34 và đoản ca 35. Thế nhưng sự tĩnh lặng và không khí trong lành nơi thôn quê vẫn không cải thiện được tình trạng thính giác của Bethoven. Nỗi đau khổ tột cùng đã bao trùm lấy ông, nhất là sau câu chuyện với Ris. Trong tâm trạng sầu muộn đó vào tháng 10/1802 Bethoven đã lập di chúc, nó được phát hiện trong giấy tờ của ông sau khi ông chết. Trong đó Bethoven viết: "Ôi những người vẫn coi tôi hoặc gọi tôi là kẻ thất thường, ngang bướng, kẻ chán đời, các vị mới bất công với tôi làm sao!... Suốt 6 năm tôi đã mắc chứng bệnh không chữa trị được mà lại bị các bác sĩ kém cỏi làm cho tệ hơn. Cứ mỗi năm tôi lại càng mất đi hy vọng chữa khỏi bệnh, tôi đứng trước một căn bệnh lâu dài (mà việc chữa trị là nhiều năm trời, hoặc có thể là hoàn toàn không thể chữa được)... Không còn bao lâu nữa tôi sẽ qua đời. Chỉ còn một thứ đã níu giữ tôi lại - đó là Nghệ thuật. Các bạn, những người anh em của tôi, ngay sau khi tôi chết hãy đề nghị với giáo sư của tôi là Smith, nếu như ông còn sống để ông mô tả chứng bệnh của tôi; các bạn gắn cả tờ giấy này vào hồ sơ bệnh của tôi để sau khi tôi chết đi thì mọi người mới có thể khoan dung đối với tôi".

Nghị lực thép

Bethoven biết là tình hình không thể cứu vãn, tuy rằng vào thời kỳ đó cũng như bây giờ, bệnh điếc hầu như không chữa được. Khi thay đổi các bác sĩ, ông cũng không tin tưởng vào họ, nhưng đó vẫn là cơ hội để chữa bệnh. Thế nhưng đã không ai trong số họ chữa trị được. Càng ngày ông càng tách xa mọi người: "Cuộc đời của tôi thật đáng thương, Bethoven viết - đã 2 năm rồi tôi trốn tránh xã hội". Có ai lại thích trò chuyện với người bị điếc khi cứ phải hét vào tai họ? Đành phải từ bỏ hy vọng lập gia đình, chẳng cô gái nào muốn lấy một người tai điếc làm chồng. Chỉ mới đó không lâu thôi Bethoven còn là một người lịch lãm, quảng giao, một quý tộc rất bảnh bao trong chiếc áo viền đăng-ten. Ông là một nhạc sĩ tài năng, nổi tiếng là một nhà soạn nhạc cách tân mà các sáng tác của ông đã tạo ra những tranh luận sôi nổi. Ông đã có những người hâm mộ, còn giờ đây đành phải giấu mình đi và chìm vào nỗi đau khổ riêng. Điều khủng khiếp nhất là bệnh điếc đã phá ngang con đường âm nhạc. Dẫu sao thì lúc đầu Bethoven vẫn cố gắng giấu giếm chứng bệnh của mình. Ông gắng gỏi thu nhận từng mẩu âm thanh, cố nghe thật chăm chú, học cách hiểu qua khẩu hình và khuôn mặt của người đối thoại. Nhưng rồi cũng đành bất lực. Năm 1806 ông đã viết: "Thôi thì cứ để cho bệnh điếc của mình không còn là bí mật nữa, thậm chí cả trong nghệ thuật!".

Thế nhưng nhà soạn nhạc vẫn sáng tác nên những tác phẩm có ý nghĩa nhất trong tình trạng bị nặng tai, gần như là điếc hẳn. Một năm trước khi lập bản "Di chúc Geilygenstadtski" ông đã viết bản xô-nát Ánh trăng, một năm sau là bản Xô-nát Kreiserova. Sau đó ông miệt mài sáng tác bản giao hưởng nổi tiếng Anh hùng ca. Tiếp đến là các bản xô-nát Chiến hạm và Appsionata, vở opera Fidelio. Đến năm 1808 thì nhà soạn nhạc gần như không còn hy vọng phục hồi thính giác nữa. Thời gian đó lại xuất hiện một tác phẩm nổi tiếng hơn là bản giao hưởng số 5. Bethoven đã thể hiện ý tưởng của tác phẩm bằng lời nói: "Đấu tranh với số phận". Bằng âm nhạc, nhà soạn nhạc đã thể hiện trạng thái tinh thần của mình trong những năm cuối đời. Kết luận của ông là: Một người mạnh mẽ có thể thắng được số phận. Quãng thời gian 1812-1816 Bethoven đã bị nặng tai đến mức hoàn toàn không còn cảm nhận được âm thanh. Ông giao tiếp với mọi người nhờ "Những cuốn vở hội thoại". Người ta viết câu hỏi hoặc là câu đáp, nhà soạn nhạc đọc và trả lời bằng miệng. Trong khi phải chịu đựng cú đòn này, Bethoven đã sáng tác 5 bản xô-nát đặc sắc cho đàn piano và 5 khúc tứ tấu cho dàn nhạc dây. Đỉnh cao là bản giao hưởng thứ 9 Sử thi cùng với đoản ca Đến với niềm vui được viết hai năm trước khi chết. Bản giao hưởng được mở đầu một cách bi thương và kết bằng hình ảnh tươi sáng.

Bethoven đã qua đời vào năm 1827 ở tuổi 57 do bị viêm phổi và các bệnh về thận và gan - đó cũng là những triệu chứng rất phổ biến của sự nhiễm độc chì. Cũng không phát hiện thấy dấu vết của các loại thuốc giảm đau, mặc dù cái chết của ông đã rất đau đớn. Điều này nói lên nghị lực thép của con người siêu phàm này.

Theo SK & ĐS (AIF)
  • 4.682