Bệnh lạ của thiên tài hội họa

  •   52
  • 16.742

Được biết đến là các danh hoạ nổi tiếng thế giới, song ít ai biết rằng những bậc thầy trong nghệ thuật hội họa như Leonardo da vinci hay Pablo Picasso lại mắc phải những căn bệnh phức tạp và hiếm gặp như chứng dyslexia (chứng bệnh khó đọc). Phải chăng chính căn bệnh hiếm gặp mà những danh họa này gặp phải lại khiến cho tài năng của họ càng được toả sáng?

Bệnh kỳ quặc của các thiên tài hội họa

Bí mật duy nhất và ít được nhắc tới nhất trong cuộc đời hai danh hoạ nổi tiếng thế giới Da VinciPicasso là chứng bệnh dyslexia.

Căn bệnh kỳ quái này đã khiến cho hai người đàn ông tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật trong gần hết toàn bộ cuộc đời mình không thể phân biệt chữ viết và đọc chúng một cách lưu loát, dễ dàng. Ngay từ khi 12 tuổi, Da Vinci đã mắc dyslexia và suy giảm khả năng nhận biết chữ, song thay vào đó, ông lại được trời phú cho khả năng nhìn nhận và mô tả sự vật trong không gian vào tranh vẽ và biến chúng trở nên sống động, đa nghĩa một cách hiếm có. Cũng giống như Da Vinci, Picasso cũng tìm đến với nghệ thuật hội họa từ khá sớm và trở thành người họa sĩ lừng danh trong lĩnh vực nghệ thuật này, mặc dù bản thân ông cũng là một người gặp khó khăn trong phân biệt chữ viết.

Tìm hiểu về hội chứng dyslexia

Là một dạng bệnh mới được phát hiện, song dyslexia đã được nhà khoa học chuyên khoa thần kinh học thuộc trường đại học Middlesex – Mỹ nghiên cứu từ nhiều năm trước đây. Một cuộc nghiên cứu đối với 41 nam giới và phụ nữ nhằm đánh giá khả năng phân biệt và nhận biết qua thị giác đã được tiến hành. Khoảng một nửa trong số những người được kiểm tra gặp phải các vấn đề về đánh vần, đọc và viết chữ, là những dấu hiệu của chứng dyslexia. Những người đàn ông có biểu hiện của dyslexia có khả năng nhận biết các vật thể trong không gian và khả năng sao chép tranh rất tốt, ngoài ra, họ có khả năng tính toán nhanh với độ chính xác cao. Trái lại, những người phụ nữ với biểu hiện của dyslexia lại không có những khả năng này.

Bệnh lạ của thiên tài hội họa
Hai bậc thầy trong lĩnh vực hội hoạ: Danh họa Leonardo da vinci (bên trái)
và danh họa Pablo Picasso (bên phải).

Nghiên cứu của TS. Brunswick về chứng dyslexia còn cho biết, những người bệnh dyslexia thường có xu hướng làm việc thiên về tư duy nhiều hơn là những công việc liên quan đến phát ngôn. Chính điều này khiến cho những người đàn ông mắc dyslexia có thể phát triển tài năng và thường thành công khi hoạt động trong lĩnh vực hội hoạ, điêu khắc và các công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao.

Trong các trường hợp biểu hiện của hai danh họa nổi tiếng, ảnh hưởng của Dyslexia cũng có tác động nhất định tới khả năng của hai con người nổi tiếng này. Đối với Da Vinci, khi còn nhỏ, ông từng mắc chứng bệnh mà khoa học ngày nay gọi là chứng hiếu động thái quá, thiếu tập trung. Biểu hiện bệnh của ông được các nhà nghiên cứu làm rõ từ việc cậu bé 12 tuổi Da Vinci thường viết nội dung các mẩu giấy ghi nhớ của mình theo hướng từ phải sang trái, thường xuyên gặp phải các vấn đề trong việc học tập ở trường, chẳng hạn như chứng khó đọc và khó nhận biết chữ cái.

Chứng bệnh lạ góp phần tạo nên tài năng nghệ thuật?

Kết quả các nghiên cứu trên đây của các nhà khoa học đã khiến không ít người tự đặt ra câu hỏi: Phải chăng những ảnh hưởng của chứng bệnh lạ dyslexia đã góp phần tạo nên các khả năng đặc biệt cho các thiên tài hội hoạ Da Vinci và Picasso?

Đi tìm lời giải đáp cho giả thuyết này, các nhà khoa học Mỹ thừa nhận, phần nào ảnh hưởng của dyslexia cũng góp phần khiến cho những người mắc bệnh có khả năng quan sát và cảm nhận sinh động hơn về sự vật trong không gian 3 chiều. Điều này góp ích rất nhiều vào thành công của họ trong việc sáng tác các tác phẩm đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và cảm nhận tinh tế về không gian, cảnh vật xung quanh.

Trong trường hợp của hai danh họa Da Vinci, và Picasso, phần nào ảnh hưởng của dyslexia đã kích thích trí tưởng tượng của hai nhân vật này ngay từ khi còn nhỏ và đem lại sức hấp dẫn cho các tác phẩm của họ trong sự nghiệp sáng tác sau này. Song tác động này không có tính chất quyết định sự hình thành tài năng của những họa sĩ thiên tài. Nói cách khác, tài năng của những danh họa thiên tài như Da Vinci hay Picasso có một phần quan trọng là tố chất vốn có và quá trình lao động nghệ thuật chăm chỉ, miệt mài của chính bản thân người nghệ sĩ.

Mặt khác, rất nhiều người nổi tiếng khác trên thế giới cũng từng mắc dyslexia, chẳng hạn như Rodin, Andy Warhol hay Thomas Edison và Michael Faraday… Tuy nhiên, họ không hoàn toàn là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Một số người mắc bệnh dyslexia là những nhà khoa học, vật lý học và một số nhà văn nổi tiếng thế giới.

Những thiên tài hội họa sống trong điên loạn

Ngoài  Da Vinci và Picasso mắc chứng bệnh lạ thì trên thế giới có những thiên tài hội họa mắc phải những chứng bệnh tâm thần, khiến cuộc đời họ trở thành một chuỗi những hành hạ kéo dài dai dẳng…

Michelangelo

Là một trong những thiên tài vĩ đại nhất của lịch sử hội họa thế giới, danh họa người Ý Michelangelo (1475-1564) sinh thời không để người khác nhận ra những bất ổn trong tâm lý của mình. Tuy vậy, nhiều học giả nghiên cứu về cuộc đời và thành tựu của Michelangelo đều khẳng định rằng ông có những dấu hiệu của bệnh tâm thần.

Bệnh lạ của thiên tài hội họa
Bức “Lời phán xét cuối cùng” (1534-1541)

Dựa trên các tác phẩm ông sáng tạo ra cùng những ghi chú trong các bản vẽ phác họa mà Michelangelo để lại, người ta nhận thấy trong đó ẩn chứa nhiều nỗi u sầu, những triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý lưỡng cực.

Vincent Van Gogh

Trong giới hội họa, nếu muốn tìm một họa sĩ có cuộc đời luôn vật vã trong những cơn bất ổn tâm lý nhưng những thành tựu mà họa sĩ đó đạt được mang tầm vóc thế giới, đó chỉ có thể là Vincent van Gogh (1853-1890).

Danh họa người Hà Lan là cha đẻ của những tác phẩm hội họa sống động, tinh tế, ngập tràn cảm xúc, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ họa sĩ sau này, ông là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Suốt cả cuộc đời, Van Gogh là một con người khốn khổ, luôn chìm sâu trong những bất ổn tâm lý. Ông phải chịu đựng trạng thái suy sụp, trầm cảm nặng nề, đôi khi cả những cơn động kinh.

Bệnh lạ của thiên tài hội họa
Bức tự họa của Van Gogh sau khi cắt tai

Một trong những sự việc điên rồ nhất cuộc đời Van Gogh chính là khi ông tự cắt tai mình. Thiên tài hội họa này đã qua đời năm 37 tuổi, tự tử bằng súng. Người ta cho rằng chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực chính là nguyên nhân dẫn tới việc ông thường xuyên bị suy sụp tâm lý.

Theo Sức khỏe Đời sống
  • 52
  • 16.742