Nghi thức nào thay thế cái bắt tay trong giao tiếp của con người?

Cử chỉ bắt tay đã tồn tại hàng nghìn năm qua, ban đầu, nghi thức này được dùng như một cách để truyền đạt những ý định hòa bình.

Bằng cách xòe bàn tay phải đang không cầm nắm gì, những người lạ có thể cho thấy họ không cầm vũ khí cũng như không có ý định xấu với người đối diện.

Sau đó, hành động này đã trở thành một nghi thức được thực hiện gần như trong mọi hoạt động giao tiếp xã hội, kinh doanh, thể thao và tôn giáo.

Tuy nhiên, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 buộc chúng ta phải xem xét lại nghi thức xã giao này. Dù là cử chỉ thể hiện sự thân thiện, song bắt tay lại là một nguồn có nguy cơ lây truyền các vi sinh vật gây bệnh từ người này sang người khác.


Tổng thống Tanzania John Magufuli và Tổng thư ký Đảng Mặt trận nhân dân đoàn kết Tanzania Seif Sharif Hamad thay nghi thức bắt tay bằng chạm chân nhằm tránh lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN).

Trên tạp chí Dermatological Science, một nhóm các nhà khoa học viết rằng: “Đôi bàn tay giống như những nút giao cắt đông đúc, luôn kết nối hệ vi sinh vật trong cơ thể chúng ta với các hệ vi sinh vật của cơ thể người, vật và địa điểm khác”.

Họ cũng khẳng định đôi bàn tay là “vật chủ truyền bệnh” theo đó phát tán các vi sinh vật, trong đó có virus.

Theo giới khoa học, trong lòng bàn tay của con người chứa hàng trăm loại vi khuẩn và virus mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy.

Ông Charles Gerba, nhà vi trùng học và nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Arizona (Mỹ), cho biết: “Mỗi lần chạm vào một bề mặt, tay bạn có thể tiếp nhận 50% số vi sinh vật trên bề mặt đó".

Bàn tay có thể mang theo khuẩn Salmonella, E.coli, norovirus, virus gây bệnh tay chân miệng và nhiều mầm bệnh gây bệnh viêm đường hô hấp như adenovirus.

Chuyên gia Gerba đã tiến hành nghiên cứu về sự di chuyển của các virus. Theo ông, chỉ sau 4 giờ, con virus ở trên tay nắm cửa đã tiếp xúc với tay của 50% số người và đến 50% bề mặt trong tòa nhà văn phòng, hoặc khoảng 90% bề mặt trong nhà riêng.

Virus ở trong khách sạn di chuyển từ phòng này sang phòng khác, đôi khi đến cả những phòng hội nghị gần đó.

Lâu nay, cử chỉ bắt tay là một cách con người chào hỏi nhau và là một phần nghi thức nhằm tìm kiếm sự đồng thuận chung.

Giáo sư nghiên cứu về các phong tục tập quán tại Đại học bang Ohio Dorothy Noyes cho biết cảnh các bên bắt tay nhau là những gì được ghi hình lại vào thời điểm các bên đạt được thỏa thuận.

Một số lần bắt tay, như cái bắt tay siết chặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, được thực hiện sau nhiều tháng đàm phán.

Dù bắt tay có đem lại những rủi ro về bệnh tật hay là cử chỉ thể hiện quan hệ giữa các bên cải thiện hơn, đây lại là một thói quen khó thay đổi ngay cả khi chúng ta muốn từ bỏ.

Chẳng hạn, chỉ vài phút sau khi công bố lệnh cấm bắt tay để chống dịch Covid-19, chính Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte quay sang bắt tay người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm nước này Jaap Van Dissel. Ông Rutte đã phải nhắc nhở: “Xin lỗi, chúng ta không được phép làm điều này nữa".

Vậy câu hỏi đặt ra là nếu như bắt tay không còn được mặc nhiên chấp nhận, cử chỉ gì sẽ thay thế để trở thành nghi thức xã giao cố định thời hậu Covid-19?

Liệu đó có phải là kiểu chào hỏi chạm 2 nắm đấm hay chạm khuỷu tay vào nhau, cúi chào kiểu Nhật Bản, ngả mũ hay chào kiểu của người Vulcan giống như nhân vật Spocks trong loạt phim Star Trek?

Thật khó có câu trả lời chính xác và trong lúc chờ đợi, bạn hãy dành một nụ cười thân thiện và cùng cái cúi đầu nhẹ nhàng cho đối tác của mình vậy.

Cập nhật: 06/05/2020 Theo TTXVN/VietnamPlus
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video