Ba nghiên cứu khoa học công bố gần đây của Châu Âu đã phủ nhận bản báo cáo đầy tranh cãi của Gilles-Éric Séralini về việc ngô biến đổi gene (BĐG) có thể gây ung thư trên chuột.
Tháng 9 năm 2012, Séralini - giáo sư trường Đại học Caen, đã công bố một kết luận chấn động trên tạp chí khoa học Food and Chemical Toxicology về việc chuột ăn ngô BĐG có thể phát sinh các khối u, và sử dụng bằng chứng này để kêu gọi các đánh giá dinh dưỡng dài hạn đối với thực phẩm BĐG.
Mặc dù sau đó vào năm 2014, chính tạp chí Food and Chemical Toxicology đã rút lại công bố này đó Séralini, nhưng các nhóm phản đối BĐG vẫn tiếp tục lan truyền những thông tin sai lệch này với mục đích thổi bùng nỗi lo sợ về độ an toàn của thực phẩm BĐG.
Gần đây, ba nghiên cứu: GRACE và G-TwYST được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, và nghiên cứu GMO90+ tiến hành tại Pháp – đã bác bỏ các kết luận của Séralini về độc tính của giống ngô mang tính trạng chống chịu thuốc trừ cỏ (Roundup Ready). Những nghiên cứu này đã kết luận không có rủi ro tiềm tàng nào từ giống ngô BĐG. Điều này giúp giải quyết những lo lắng, quan ngại của công chúng sau công bố của Séralini, đồng thời cung cấp định hướng cho Liên minh Châu Âu (EU) về sự cần thiết có hay không các nghiên cứu khoa học dài hạn.
Hiệp hội Công nghệ Sinh học Pháp phát biểu: “Những người tiêu dùng Châu Âu cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ về kết quả của những nghiên cứu này. Họ có thể an tâm về độ an toàn của những cây trồng BĐG đã được cấp phép thương mại và vượt qua quy trình đánh giá toàn diện của Châu Âu – một hệ thống được biết đến là khắt khe nhất trên thế giới. Thêm vào đó, kết quả của những nghiên cứu mới này cũng đồng thời phủ định đề xuất của Séralini về sự cần thiết cần phải có các đánh giá dài hạn".
Theo yêu cầu của EU, mọi hồ sơ yêu cầu công nhận đối với thực phẩm/ thức ăn chăn nuôi BĐG cần phải thực hiện đánh giá dinh dưỡng kéo dài 90 ngày trước khi được đưa ra thị trường. Đánh giá nguyên bản được thực hiện trên giống ngô chống chịu thuốc trừ cỏ đã xác nhận không có rủi ro tiềm tàng nào đối với con người.
G-TwYST là tên viết tắt của GM Plant Two Year Safety Testing - Thử nghiệm tính An toàn kéo dài Hai năm trên Cây trồng BĐG. Theo nội dung kết quả nghiên cứu và tài liệu khuyến nghị được trình bày tại hội thảo ngày 29/04/2018 tại Bratislava, Slovaki: “Dữ liệu đánh giá thu thập được khi cho các động vật thuộc loài gặp nhấm ăn thực phẩm BĐG kéo dài qua 90 và dài hạn cho thấy không tìm ra bất cứ rủi ro tiềm tàng nào, và vì thế củng cố các kết quả từ những phân tích ban đầu”.
“Như vậy việc canh tác giống ngô BĐG NK603, dù có sử dụng thuốc trừ cỏ Roundup hay không, đều không gây ra ảnh hưởng bất lợi nào”, báo cáo kết luận.
Nghiên cứu này cũng bao gồm đánh giá tổng hợp về độc tính mãn tính cũng như các tác nhân gây ung thư và đưa ra kết luận: “không quan sát thấy giống ngô biến đổi gen NK603 và giống ngô BĐG NK603 sử dụng thuốc trừ cỏ Roundup gây ra bất cứ độc tố nào".
GRACE là từ viết tắt của GMO Risk Assessment and Communication of Evidence - Đánh giá Rủi ro và Truyền thông dựa trên Bằng chứng về sinh vật BĐG. Nghiên cứu này đã tiến hành hai thử nghiệm khi cho chuột ăn ngô trong 90 ngày và sử dụng hai giống ngô BĐG khác nhau: 1 giống mang tính trạng kháng sâu và 1 giống mang tính trạng chống chịu glyphosate. “Kết quả cho thấy hai giống ngô BĐG này không gây ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào đến loài động vật được thử nghiệm”, báo cáo kết luận. Thêm vào đó, dữ liệu còn cho thấy giống ngô BĐG không gây ảnh hưởng tới các chức năng miễn dịch được thử nghiệm trong cả hai thử nghiệm 90 ngày này. Nghiên cứu GRACE được công bố trên tạp chí khoa học Archives of Toxicology.
Nghiên cứu GMO90+ tiến hành đánh giá trên giống ngô mang tính trạng kháng sâu Bt khi thử nghiệm cho các loài gặm nhấm ăn ngô BĐG này trong 180 ngày và cũng không tìm thấy ảnh hưởng tiêu cực trên các loài này.
Cùng với việc giải quyết các quan ngại gây ra bởi công bố của Séralini, các nghiên cứu cũng nhằm mục tiêu cung cấp cho EU định hướng về việc tính cần thiết của việc thực hiện đánh giá dinh dưỡng về tác nhân gây ung thư kéo dài 2 năm trên loài chuột, đối với tất cả các thực phẩm/thức ăn chăn nuôi.
Theo báo cáo G-TwYST: “Việc thực hiện một đánh giá dinh dưỡng với tất cả các loại thực phẩm/thức ăn chăn nuôi nên được cân nhắc thận trọng, bởi lẽ sẽ cần một số lượng lớn các loài động vật để làm thử nghiệm”.
Do đây là một vấn đề gây tranh cãi: “mọi nỗ lực thiết thực đã được tạo ra nhằm đảm bảo hợp tác với các bên liên quan, tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin”, báo cáo G-TwYST đã nhấn mạnh. “Những nỗ lực này bao gồm kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong cả quá trình lập kế hoạch và kết luận của dự án; sẵn sàng cung cấp kế hoạch nghiên cứu dự thảo và kết quả nghiên cứu sơ bộ (tất cả dữ liệu được tạo ra) phục vụ cho sự giám sát của các bên liên quan; xây dựng quy trình thảo luận, nghiên cứu và phản hồi một cách có hệ thống tất cả ý kiến của các bên liên quan, cũng như quy trình theo dõi những ý kiến này được nghiên cứu, giải đáp như thế nào trong dự án; lưu trữ và minh bạch chi tiết tất cả các bước; các ấn phẩm được xuất bản trên các nguồn mở; và xây dựng kho lưu trữ truy cập mở đối với nguồn dữ liệu thô liên quan đến các công bố học thuật từ nghiên cứu. Cách tiếp cận này đã nhận được sự hoan nghênh lớn từ phần lớn các bên liên quan".
Báo cáo khuyến nghị thêm: “Những thách thức đó cộng thêm với việc huy động nguồn lực và nỗ lực đáng kể cho thấy cách tiếp cận này không nên sử dụng ở mức độ thường xuyên. Tuy nhiên, trong trường hợp các vấn đề khoa học – kỹ thuật gây ra tranh cãi lớn và nhiều quan điểm trái ngược, cách tiếp cận này vẫn là một lựa chọn tốt nhằm nâng cao chất lượng và tính chắc chắn về mặt xã hội của nghiên cứu”.