Rừng Amazon không còn chịu nổi áp lực, có nguy cơ sụp đổ

Nghiên cứu mới nhất cảnh báo rừng Amazon đang phải đối mặt với hàng loạt áp lực, có thể khiến hệ sinh thái khổng lồ này sụp đổ sau năm 2050.

Rừng mưa Amazon, nơi có hơn 10% đa dạng sinh học của thế giới, giúp ổn định khí hậu toàn cầu bằng cách hấp thụ và lưu trữ lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính tương đương với khoảng hai thập niên phát thải.

Tuy nhiên căng thẳng từ nạn phá rừng, hạn hán, hỏa hoạn và nhiệt độ tăng cao đã làm xói mòn khả năng chống chịu của rừng Amazon. Các nhà khoa học cảnh báo điều này có thể gây ra cái gọi là "điểm bùng phát", đẩy hệ sinh thái quan trọng này vào quá trình thay đổi lớn không thể đảo ngược trong những thập niên tới.


Rừng nhiệt đới Amazon ở vùng Labrea, bang Amazonas, miền bắc Brazil, bị tàn phá do cháy và chặt phá, ảnh chụp ngày 2-9-2022 - (Ảnh: Douglas Magno/AFP/Getty Images).

Trong nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature ngày 14-2, nhóm các nhà khoa học quốc tế ước tính rằng, khoảng 10 - 47% diện tích rừng Amazon sẽ phải chịu áp lực vào năm 2050, có thể dẫn đến sự thay đổi hệ sinh thái trên diện rộng.

Điều này khiến hệ sinh thái quan trọng Amazon không chỉ ngừng hấp thụ mà thậm chí còn giải phóng lượng CO2 đang lưu trữ, qua đó đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu và khiến tác động của biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin từ các mô hình máy tính, bên cạnh các quan sát thực tế và các bằng chứng về những thay đổi từ cách đây hàng nghìn năm để mô tả sự phức tạp của hệ thống rừng và xác định các nguyên nhân chính.

Sau đó họ phân tích các yếu tố gây căng thẳng này - bao gồm hiện tượng nóng lên toàn cầu, lượng mưa hằng năm, độ dài của mùa khô và nạn phá rừng - để xem chúng có thể tác động riêng lẻ hoặc cùng nhau đến mức độ nào dẫn tới sự phá vỡ hệ sinh thái quy mô lớn.

Họ cảnh báo đến năm 2050, Amazon có thể phải đối mặt với tình cảnh thiếu nước ở mức độ chưa từng thấy.

Trong khi một số khu vực có thể biến thành "thảo nguyên cát trắng", vốn đang ngày càng mở rộng ở Amazon sau cháy rừng, nhiều khu vực khác trong rừng có thể bị bao phủ với những cây cối dễ cháy, xen kẽ với các loại cỏ xâm lấn. Tuy các khu vực ẩm ướt hơn vẫn còn nhưng rừng sẽ có ít loài cây hơn và các loài thực vật phát triển nhanh như tre sẽ tăng lên.

"Những dòng sông rộng lớn đã khô cạn hoàn toàn khiến người dân địa phương và người bản địa bị cô lập trong nhiều tháng, lương thực và nước uống khan hiếm. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng người dân có thể gặp tình trạng thiếu nước ở rừng mưa Amazon" - ông Bernardo Flores tại Đại học Liên bang Santa Catarina, ở Florianopolis (Brazil), tác giả chính của nghiên cứu, nói.

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Adriane Esquivel-Muelbert tại Viện Nghiên cứu rừng Birmingham (của Anh) cũng lưu ý có bằng chứng cho thấy nhiệt độ tăng, hạn hán khắc nghiệt và hỏa hoạn có thể ảnh hưởng đến chức năng của rừng và thay đổi loài cây nào có thể phát triển trong khu rừng.

Cần thế giới chung tay

Các vùng rộng lớn của khu vực Amazon đã phải hứng chịu một đợt hạn hán tàn khốc trong những tháng gần đây khiến các tuyến đường thủy quan trọng bị thu hẹp, mùa màng khô héo và gây ra cháy rừng.

Các nhà khoa học thuộc nhóm World Weather Attribution cho biết đợt khô hạn lịch sử chủ yếu là do biến đổi khí hậu, hơn là do hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra tự nhiên.

Họ cũng lo ngại rằng Amazon đang chuyển từ việc lưu trữ thành nguồn phát thải CO2. Đây sẽ là chủ đề trọng tâm khi Brazil tổ chức vòng đàm phán quốc tế quan trọng về khí hậu.

Ông Flores cảnh báo ngay cả khi các nước có rừng Amazon cam kết đẩy lùi nạn phá rừng và đạt mục tiêu này trong những thập niên tới, nỗ lực to lớn này có thể chỉ như "muối bỏ biển" nếu cả thế giới không cam kết giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cập nhật: 19/02/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video