Nghiên cứu mới về khả năng tự định hướng của người và động vật: "GPS tự thân"

Khả năng tự định hướng là một năng lực đặc biệt của người và một số loài động vật. Làm thế nào để người và động vật làm được như vậy?

GPS tự thân

Chắc hẳn trong số chúng ta cũng đã từng nghe hoặc tự khen ai đó rằng họ định hướng đường đi giỏi, không biết rõ đường nhưng lại có thể "mò" để tìm ra con đường tới điểm đích. Tình huống giả định này thực ra có liên quan đến một năng lực mà các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu: Khả năng tự định hướng.

Các nhà khoa học cho rằng con người và nhiều loài sinh vật cũng có khả năng đó, nhưng điều ẩn sau năng lực tự định hướng là gì thì vẫn đang cần được làm rõ.

Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Frontiers in Behavioral Neuroscience đã cho thấy rằng một vài loài động vật chỉ nhờ quan sát mà có thể tự định hướng được. Nghiên cứu trên loài chuột đã hé lộ nhiều điều về hệ thống mà các nhà khoa học gọi vui là "GPS tự thân" mà con người và nhiều loài động vật khác có.


Làm cách nào để động vật có thể tự định hướng? (Ảnh: eurotravel / Getty Images)

Định hướng là một kỹ năng sinh tồn quan trọng với nhiều loài vật, và các công trình nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng các cá thể có khả năng định hướng nhờ vào "tấm bản đồ" mà cá thể đó tự hình thành trong đầu, giúp cá thể đó, dù là người hay động vật, có thể có thêm hoặc nhớ lại các thông tin về môi trường xung quanh.

Hệ thống "GPS tự thân" này có thể giúp cá thể đó đi tới một địa điểm cụ thể mà khó nhớ hoặc khó tìm.

Các nhà khoa học trước nay vẫn thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ thống GPS tự thân với khả năng sinh tồn của cá thể, nhưng làm cách nào để cá thể đó vẽ ra được tấm bản đồ trong đầu thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng đưa ra kết luận rằng để hình thành được bản đồ thì cá thể đó có thực sự cần tự mình khám phá không gian đó hay không.

Để trả lời, một nhóm các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu khả năng định hướng trên loài chuột. Lý do họ dùng chuột làm đối tượng nghiên cứu là vì các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chuột có thể định hướng nhờ khả năng tự hình thành bản đồ trong não.


Làm cách nào để con người và động vật có thể vẽ ra một "tấm bản đồ" trong đầu? (Ảnh: Andrew Skurka)

Tác giả của nghiên cứu, ông Thomas Doublet, nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học & Công nghệ Na Uy, phát biểu: "Chúng tôi muốn tìm hiểu xem nếu chỉ quan sát từ xa thì có hình dung ra được đường đi hay không. Kết quả của việc này có ý nghĩa quan trọng để hiểu xem [động vật] có thể hình dung về môi trường theo cách nào và [tấm bản đồ đó] được xây dựng như thế nào".

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng với chuột, chúng có thể tự hình dung lối đi chỉ bằng việc quan sát mà không cần phải trực tiếp khám phá.

Ông Thomas Doublet chia sẻ thêm: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các hình dung về môi trường mà được hình thành qua việc quan sát không hề mơ hồ, và động vật sử dụng những hình dung này để định hướng qua khu vực mà nó đã quan sát. Nghiên cứu này giúp ta hiểu hơn về hệ thống GPS tự thân".

"GPS tự thân" của chuột


Chuột có thể tự hình dung lối đi chỉ bằng việc quan sát mà không cần phải trực tiếp khám phá. (Ảnh: Neil Lockhart/Shutterstock).

Để đi tới kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã đưa các cặp chuột vào một cái lồng gồm 2 ngăn riêng biệt. Những con chuột ở ngăn bên trong có thể quan sát được đồng loại của nó ở ngăn bên ngoài dò dẫm và tự tìm thức ăn.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đưa con chuột ở ngăn trong ra ngăn ngoài. Các nhà khoa học thấy rằng toàn bộ những con chuột ở ngăn bên trong sau khi đã quan sát đồng loại thì đều có thể kiếm được thức ăn, trong khi đó thì chỉ có 12% những con chuột ở ngăn ngoài có thể tìm thấy thức ăn.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng kết quả này đóng góp nhiều trong việc tìm hiểu về hệ thống GPS tự thân. Tuy nhiên, vẫn sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để thực sự hiểu về hệ thống này.

Cập nhật: 02/11/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video