Nói đến ma túy, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh lý ở trẻ vị thành niên và người lớn. Tuy nhiên ngộ độc ma túy cũng xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ đang còn trong bụng mẹ. Ngộ độc ma túy bào thai là bệnh lý cần quan tâm ở trẻ em vì không chỉ nguy cơ diễn tiến nặng trong giai đoạn cấp.
Chủ yếu là nguy cơ lâu dài, các tổn thương về thể lực làm trẻ chậm phát triển, đặc biệt các tổn thương tâm lý gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ sau này.
Thế nào là ngộ độc ma túy bào thai?
Ngộ độc ma túy bào thai hay còn gọi là ngộ độc ma túy ở trẻ sơ sinh, là ngộ độc ma túy thụ động do mẹ sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, morphin trong lúc mang thai, biểu hiện hội chứng ngưng thuốc ở trẻ sơ sinh sau khi sinh. Bệnh được mô tả đầu tiên năm 1947, sau đó y văn thế giới đã nêu nhiều tham khảo về những trường hợp co giật sơ sinh trong diễn tiến của hội chứng ngưng thuốc của bệnh lý này.
Nguyên nhân ngộ độc trong thời kỳ bào thai
Trong thời lỳ bào thai, trẻ sơ sinh được cung cấp các chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai. Do đó trẻ bị ảnh huởng bởi các thuốc và hóa chất mẹ dùng trong thời kỳ mang thai, cụ thể như các loại thuốc giảm đau morphin, thuốc ho codein, thuốc ngủ phenobarbital, diazepam… và đặc biệt là trẻ dễ bị ngộ độc do mẹ dùng thường xuyên các chất gây nghiện như ma túy, rượu.
Thay đổi chức năng cơ quan ở trẻ sơ sinh
Đặc điểm hệ cơ quan của trẻ sơ sinh có cấu trúc và chức năng non yếu hơn so với trẻ lớn và người lớn do vậy sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài tiết các chất gây độc trong cơ thể, nhiều điểm trong tiến trình này khác biệt rất rõ. Đầu tiên sự hấp thu ở trẻ sơ sinh chậm, tạo nên tác dụng tích lũy chất độc trong cơ thể gây ngộ độc.
Thứ đến trẻ sơ sinh có số lượng proterin để kết hợp với các chất độc này ít hơn làm tăng thể tích phân bố, tăng nồng chất độc tự do trong máu, dẫn đến tăng độc tính đối với cơ thể của trẻ. Cuối cùng chức năng gan thận của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh, dẫn đến khả năng chuyển hóa và bài tiết chất độc kém, làm kéo dài thời gian gây độc đối với cơ thể. Hậu quả của sự thay đổi chức năng cơ quan ở trẻ sơ sinh là ngộ độc ma túy ở trẻ sơ sinh thường gây tổn thương nhiều cơ quan, kéo dài và quan trọng là ảnh hưởng đến dư hậu của trẻ sau này.
Ma túy gây độc từ trong bào thai
Ma túy có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, ở vùng thụ thể opioids, những thụ thể này là những peptides, gọi là encephalin và endorphine, có chức năng điều hòa dẫn truyền thần kinh. Trong bào thai, ma túy từ máu mẹ vào cơ thể trẻ qua bánh nhau, sẽ làm giảm tiết encephalin trong thời kỳ bào thai. Sau khi sinh, trẻ sơ sinh không được nuôi dưỡng qua nhau nữa, đồng nghĩa với việc không có chất ma túy vào cơ thể của trẻ. Do tình trạng ngưng cung cấp ma túy đột ngột, encephalin sẽ không sản xuất đủ, kết quả làm tăng hoạt động hệ thần kinh, tạo nên những triệu chứng kích thích hệ thần kinh.
Dấu hiệu và triệu chứng
Mặc dù bệnh xảy ra từ khi còn trong bào thai nhưng không biểu hiện ở trẻ khi trẻ mới sinh mà sau một thời gian từ 4 ngày có khi đến 4 tuần sau sinh mới xuất hiện triệu chứng. Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết là trẻ khóc thét, quấy khóc dai dẳng. Trẻ khóc cao giọng, đỏ mặt, ưỡn người. Cơn khóc có khi kéo dài, khiến cha mẹ rất lo lắng.
Nếu bệnh xuất hiện sớm sau sinh, trong giai đoạn cấp, thường biểu hiện sau đó là run giật từng cơn nhẹ hoặc có khi là cơn co giật. Triệu chứng co giật ở trẻ sơ sinh thường không được chú ý nếu trẻ được quấn chặt tã và nằm trong tối nhằm mục đích tránh những kích thích của môi trường xung quanh.
Trong giai đoạn cấp cũng có thể gặp các dấu hiệu mắt nhìn thẳng, lơ mơ, vã mồ hôi, đỏ da, sốt cách hồi. Bên cạnh những dấu hiệu kích thích thần kinh, trẻ sơ sinh ngộ độc ma túy thường ngủ ít do bị rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, trẻ cũng bú ít do sự kém phối hợp giữa động tác bú và nuốt. Khi bệnh diễn tiến nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, thậm chí suy hô hấp.
Chẩn đoán bệnh
Trước đây, chưa có nghiên cứu về ngộ độc ma túy bào thai, bệnh lý này thường được chẩn đoán lầm với viêm màng não, xuất huyết não, hoặc do rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi máu, vì vậy đã không được điều trị, theo dõi một cách hiệu quả. Chẩn đoán ngộ độc ma túy bào thai chủ yếu dựa vào khai thác tiền căn sản khoa mẹ có dùng ma túy trong lúc mang thai? Xét nghiệm nước tiểu cho thấy có sự hiện diện của ma túy trong nước tiểu. Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu chỉ cho kết quả dương tính trong vòng 4 ngày đầu sau sinh.
Diễn tiến bệnh
Những triệu chứng co giật trong giai đoạn cấp kéo dài vài ngày. Nếu được điều trị và chăm sóc tốt, trẻ sẽ hồi phục không biến chứng. Sau giai đoạn cấp trẻ thường thèm bú trở lại do không còn bị ức chế trung tâm kích thích ăn, tuy nhiên những triệu chứng khác tồn tại dai dẳng đến 8 tuần sau đó.
Dư hậu lâu dài
Trẻ em bị ngộ độc ma túy bào thai thường bị tổn thương từ khi còn trong bào thai và ảnh hưởng này tiếp tục kéo dài. Nếu không được quan tâm và theo dõi đúng, sẽ có hại đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ sau này:
- Sự phát triển thể chất: Trẻ ngộ độc ma túy bào thai là những trẻ có nguy cơ kém phát triển về thể chất. Do tình trạng quấy khóc dai dẳng, khó cho bú, kém ngủ nên đòi hỏi người chăm sóc trẻ phải có sự kiên nhẫn cao. Tình trạng này tác động đến tâm lý thân nhân, làm người chăm sóc trực tiếp bị sang chấn tâm lý, họ luôn cảm thấy lo lắng hoặc cố gắng phải nuôi trẻ, dẫn đến việc chăm sóc và dinh dưỡng trẻ không thích hợp. Đối với trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV, sẽ có nguy cơ cao bị bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải, cần được theo dõi cẩn thận.
- Sự phát triển tâm lý: Khi so sánh trẻ ngộ độc ma túy bào thai với những trẻ không bị bệnh, người ta thấy trẻ ngộ độc ma túy bào thai có nguy cơ nghiện ma túy sau này nhiều hơn những trẻ khác. Bà mẹ tiếp tục nghiện ma túy hoặc sống trong môi trường bạo lực là những vấn đề tiếp tục tác động đến hành vi, cư xử, mức độ phát triển tâm lý của trẻ, cùng với nguyên nhân không được nuôi dưỡng, giáo dục thích hợp. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển tâm lý và sự hòa nhập tích cực của trẻ trong cộng đồng.
Hướng điều trị
Ngộ độc ma túy bào thai thường không cần điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Thuốc chống co giật dùng trong những trường hợp trẻ bị co giật, run giật, kích thích nhiều. Ngoài ra việc kết hợp với dinh dưỡng và tâm lý trị liệu cũng có tác dụng bảo vệ tâm lý và giúp trẻ phát triển thể lực bình thường. Để bệnh không diễn tiến theo chiều hướng xấu, loại bỏ các tác động có thể gây ảnh hưởng xấu lên tâm lý trẻ như tình huống căng thẳng, xúc phạm lòng tự trọng của trẻ, sự thiếu thốn tình thương, tâm trạng bất an… Nên bảo vệ trẻ bằng một môi trường thân thiện và vòng tay yêu thương của gia đình.
Hiện nay, ma túy đang là vấn đề xã hội rất phức tạp, là một mối lo cho toàn xã hội. Nhân viên y tế bên cạnh những mối quan tâm đến biện pháp dự phòng tránh nghiện, cai thuốc hiệu quả, trang bị những kiến thức, phương tiện hồi sức ngộ độc ma túy. Sản khoa và nhi khoa cũng cần có kế hoạch cụ thể, phát hiện sớm trẻ có nguy cơ ngộ độc ma túy trong giai đoạn tiền sản, giúp cho việc điều trị, theo dõi và chăm sóc hiệu quả bệnh lý và biến chứng do ma túy ở trẻ sơ sinh.
BS. CK2. NGUYỄN THỊ KIM THOA (Bệnh viện Nhi đồng I - TP.HCM)