Thiệt hại từ dịch cúm gia cầm có thể là một con số rất cụ thể và khổng lồ mà chúng ta chưa hình dung nổi.
Theo AFP, tại hội nghị quốc tế về cúm gia cầm diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 4-12, ông Peter Harrold - quyền phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) - dự báo con số thiệt hại lên đến 2.000 tỉ USD đối với nền kinh tế thế giới.
Theo ông Harrold, các nhà tài trợ đã cam kết cung cấp 2,3 tỉ USD giúp các nước ngăn chặn dịch cúm gia cầm, ngoài ra còn có hơn 1 tỉ USD thu thập được từ các tổ chức. Tuy nhiên, báo cáo do WB và Liên Hiệp Quốc (LHQ) phối hợp thực hiện, công bố tuần trước, cho biết trong hai năm qua, mặc dù nhiều nước đã nâng cao được khả năng đối phó với cúm gia cầm, song nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm này vẫn rất lớn.
Tham dự hội nghị, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Chan, cảnh báo rằng nếu đại dịch cúm gia cầm bùng phát, có thể ảnh hưởng tới gần 20% dân số thế giới. Bà dẫn ra con số đến 28 triệu người sẽ cần được trợ giúp y tế cấp kỳ khi dịch bùng phát, và khi đó lực lượng lao động thế giới có thể mất đến 35% số người do mắc bệnh. Kịch bản tệ hại nhất mà các chuyên gia vẫn lo sợ là sự biến thể của virus khiến nó độc hơn và dễ lây lan cho người hơn.
Hội nghị tại New Delhi qui tụ hơn 600 đại biểu từ 105 nước. Trong các ngày từ 1 đến 4-12, hội nghị thảo luận các biện pháp đối phó hiệu quả với dịch cúm gia cầm. Các chuyên gia tham dự hội nghị có chung nhận xét rằng nhiều nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác ứng phó với cúm gia cầm và gần như tất cả các nước trên thế giới đều đã lên kế hoạch đề phòng dịch cúm gia cầm lây lan. Ông David Nabarro, đồng điều phối viên về cúm gia cầm của LHQ và là một trong các tác giả của báo cáo hỗn hợp LHQ - WB, nhấn mạnh: “Báo cáo từ 95% các quốc gia cho biết họ đã có những kế hoạch ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người”.
Thu gom bồ câu tại một trang trại ở Riyadh ngày 4-12. Saudi Arabia cũng đang bị dính cúm gia cầm (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, hội nghị cũng cảnh báo rằng tại một số nước, cúm gia cầm vẫn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Riêng dòng virus H5N1 đã làm thiệt mạng hơn 200 người trên khắp thế giới tính từ cuối năm 2003 đến nay.
Cùng ngày, giới chức nông nghiệp Hàn Quốc đã phong tỏa một trang trại gia cầm ở làng Jincheon, cách thủ đô Seoul 90km về phía nam, sau khi phát hiện trang trại này có dấu hiệu xuất hiện cúm gia cầm. Theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, những con vịt ở trang trại trên đã có triệu chứng bị nhiễm cúm gia cầm và mẫu máu của chúng đang được đưa đi xét nghiệm. Để phòng ngừa dịch cúm bùng phát, cơ quan chức năng đã phong tỏa và tiến hành khử trùng trang trại trên.
Từ tháng 11-2006 đến tháng 3-2007, Hàn Quốc đã xuất hiện bảy ổ cúm gia cầm. Tuy nhiên, hồi tháng sáu vừa qua, Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới đã công nhận nước này hết dịch cúm gia cầm. Tháng trước, khoảng 13.000 con vịt ở Gwangju đã bị tiêu hủy sau khi các nhân viên y tế phát hiện trong đàn gia cầm của địa phương có virus H7, một dạng virus cúm gia cầm có độc tính thấp.
NGUYỄN QUÂN