Ngôi mộ tập thể 7.000 năm hé lộ cuộc thảm sát đẫm máu

Các nhà khoa học Đức đã tìm thấy ngôi mộ chôn tập thể 7.000 năm tuổi chứa ít nhất 26 bộ xương người lớn và trẻ em với hộp sọ bị đập vỡ và xương đùi gãy vụn, bằng chứng của một cuộc thảm sát ở đầu thời Đồ đá mới.

Giải mã bí ẩn mộ chôn tập thể 7.000 năm tuổi

Một nhóm các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ngôi mộ hình chữ nhật tại Đức vào năm 2006 trong dự án xây dựng đường ở Schöneck-Kilianstädten, cách Frankfurt 20 km về phía đông bắc. Kết quả nghiên cứu vừa được đăng hôm qua trên ấn bản trực tuyến của Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.


Vết thương ở vùng trán của một hài cốt trẻ em 8 tuổi trong ngôi mộ. (Ảnh: Christian Meyer.)

Các nhà khảo cổ học nghi ngờ ngôi mộ cổ đại dài 7,5 mét, rộng một mét, chứa xác những nạn nhân của một vụ thảm sát. Thông thường, những ngôi mộ đầu thời Đồ đá mới chỉ chôn một xác chết, và 50% có các đồ gốm sứ, công cụ đá hoặc đồ trang trí bằng vỏ sò táng kèm.

Tuy nhiên, những người chết trong ngôi mộ tập thể có dấu hiệu bị thương nặng, và ngôi mộ không chứa vật bồi táng. Các bộ hài cốt không có vết tích chỉ ra nghi thức trước khi chôn, chứng tỏ chúng thuộc về nạn nhân bị thảm sát.


Một đoạn xương chày người lớn bị rạn nứt tìm thấy trong ngôi mộ thời cổ đại. (Ảnh: Christian Meyer.)

Theo Christian Meyer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu đồng thời là nhà khảo cổ sinh vật học ở Đại học Mainz, Đức, phần lớn xương sọ đều có dấu hiệu bị tấn công. Một số cá nhân có xương đùi (xương chày và xương mác) gãy vụn, cho thấy họ đã trải qua tra tấn trước khi chết, hoặc bị cắt xẻ sau đó. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy hai đầu mũi tên bằng xương trong mộ, nhiều khả năng là vũ khí tấn công các nạn nhân.

Độ tuổi và giới tính của các xác chết cũng gây chú ý. Phân tích những bộ xương bị đập vỡ cho thấy 13 cá nhân là trẻ em và có 10 trẻ dưới 6 tuổi ở thời điểm tử vong. Đứa trẻ nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi.

Trong ngôi mộ không có nạn nhân trong độ tuổi từ 9-15, 13 bộ xương còn lại là người trưởng thành, nhưng chỉ có hai trong số đó là phụ nữ. Meyer cho biết, có thể những kẻ tấn công đã bắt cóc phụ nữ trẻ và buộc họ gia nhập bộ tộc. Các thiếu niên-thành viên nhanh nhẹn nhất trong nhóm, đã chạy trốn.

Ngôi mộ này là phát hiện gần đây nhất tiết lộ giai đoạn bạo lực ở đầu thời Đồ đá mới. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy hai mộ tập thể khác: một hố chôn 34 cơ thể ở Talhem, Đức, và nơi còn lại chứa ít nhất 67 bộ xương ở Asparn/Schletz, Áo. Cả ba ngôi mộ đều nằm ở trung tâm châu Âu, có niên đại giữa năm 5.600 và 4.900 trước Công nguyên.

Các ngôi mộ đều liên quan đến nền văn hóa Linearbandkeramik (LBK), một nhóm người được đặt tên theo hoa văn trang trí trên đồ gốm của họ. Người LBK có nguồn gốc từ Trung Đông, mang theo cừu, dê và những vật nuôi khác khi di cư, lập ra các trang trại cũng như làng nhỏ ở trung tâm châu Âu.

"Ba cuộc thảm sát diễn ra gần như đồng thời, ở những địa điểm khác nhau trong lãnh thổ của người Linearbandkeramik. Có thể thấy thời kỳ này khá bạo lực," Live Science dẫn lời Meyer.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video