Giải mã bí ẩn về hố chôn tập thể tại Đức

  •  
  • 3.921

Ngôi mộ tập thể khoảng 60 người được phát hiện trong quá trình xây dựng một trường Đại học tại Đức vẫn chứa đựng nhiều điều bí ẩn khi mà có rất ít bằng chứng cho biết danh tính cũng như nguyên nhân tử vong của họ.

Giờ đây, sau gần bốn năm, một phân tích di truyền học từ các mảnh xương đã tiết lộ manh mối về kẻ giết người bí ẩn đó. Các bộ xương này được phát hiện trong tháng 1 năm 2008 trên khu đất thuộc trường Đại học Kassel.

Những thành viên của Đảng quốc xã (do Hitler lãnh đạo) bị nghi ngờ là “tác giả” của hố chôn tập thể này. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, họ đã buộc hàng ngàn lao động nô lệ phải làm việc tại một nhà máy sản xuất đầu máy xe lửa và xe tăng, hãng thông tấn AP cho biết.

Tuy nhiên, các phân tích xương mới đây lại đưa ra kết quả ngược lại. Theo đó, một cơn sốt truyền nhiễm mới là thủ phạm gây ra cái chết hàng loạt này.

Những gì còn lại của một người đàn ông được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể tại Kassel, Đức. (Ảnh: Anna Zipp/ Livescience)
Những gì còn lại của một người đàn ông được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể tại Kassel, Đức. (Ảnh: Anna Zipp/ Livescience)

Không có gì khó hiểu khi người ta nghi ngờ Đảng quốc xã bởi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, lực lượng SS (có nghĩa là "đội cận vệ" ) của Đảng Quốc xã đã bắn và chôn cất số lượng nạn nhân không nhỏ tại nhiều khu vực thuộc Kassel.

Người đứng đầu dự án, Tiến sĩ Philipp von Grumbkow đến từ Đại học Gottingen, tiến hành phân tích các mẫu xương và thấy rằng có dấu hiệu của vi khuẩn truyền nhiễm.

Phương pháp C 14 (carbon 14) dựa trên sự phân rã của một hình thức phóng xạ carbon thành các tạp chất hữu cơ cho thấy những bộ xương này khoảng 200 năm tuổi. Một bệnh viện quân sự đặt gần đó trong thế kỷ 19 khiến các nhà khoa học tin rằng bộ xương được tìm thấy thuộc về những người lính từ cuộc chiến tranh thời Napoleon, kết thúc vào năm 1815.

Ngoài ra, các mảnh xương này là của nam giới, hầu hết trong số họ ở độ tuổi từ 16 đến 30, Philipp von Grumbkow chia sẻ thêm.

Ghi chép lịch sử cho biết các binh sĩ bỏ chạy trong trận Leipzig khi Napoleon Bonaparte bị đánh bại, đã mang dịch sốt thương hàn tới tất cả các thị trấn mà họ đi qua vào mùa đông 1813-1814. Trong lịch sử, "sốt thương hàn" bao gồm một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, gây sốt cao và những nốt đỏ trên da.

Gần đây, với việc nghiên cứu xương của khoảng 18 người đàn ông, von Grumbkow và các đồng nghiệp đã tìm ra sự hiện diện 4 loại vi khuẩn khác nhau, là nguyên nhân của những căn bệnh nhiễm trùng tương tự.

Chúng bao gồm các vi khuẩn gây bệnh sốt thương hàn có trong thực phẩm hoặc nước uống. Đây là căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng con người. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra mầm bệnh làm bùng phát dịch sốt phát ban - căn bệnh có khả năng gây tử vong nếu không được điều trị bằng kháng sinh. “Nghi phạm” cuối cùng là một loại vi khuẩn gây ra bệnh sốt “chiến hào” - bệnh nhiễm trùng đầu tiên được phát hiện trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, lây lan bởi loài chấy rận sống trên cơ thể.

Để xác định loại vi khuẩn có mặt trong các mẫu xương, nhóm nhà khoa học đã xem xét 5 chuỗi DNA riêng biệt – mã di truyền được tìm thấy trong các cơ thể sống.

Trong số 18 mẫu tiến hành nghiên cứu, họ tìm thấy ba mẫu có chứa DNA của vi khuẩn Bartonella Quintana, tác nhân gây bệnh sốt “chiến hào” – căn bệnh được cho là đã giết chết những người đàn ông đó.

Kết quả này được công bố trên số ra tháng 9 của tạp chí American Journal of Physical Anthropology.

Theo Livescience, Đất Việt
  • 3.921