Ngôi sao nhấp nháy khổng lồ ở trung tâm dải Ngân Hà

Các nhà thiên văn học phát hiện ngôi sao VVV-WIT-08 ở cách Trái đất hơn 25.000 năm ánh sáng nhấp nháy theo chu kỳ.

Một nhóm nhà thiên văn học quốc tế quan sát ngôi sao VVV-WIT-08 giảm độ sáng khiến nó gần như biến mất trên bầu trời. Trong khi nhiều ngôi sao thay đổi độ sáng do chúng bị che khuất bởi một ngôi sao khác trong hệ nhị phân, rất hiếm gặp ngôi sao trở nên mờ hơn sau thời gian vài tháng và sau đó sáng lại lần nữa.


Mô phỏng ngôi sao VVV-WIT-08 bị che khuất. (Ảnh: Amanda Smith/Đại học Cambridge).

Các nhà nghiên cứu cho rằng VVV-WIT-08 có thể thuộc một nhóm mới là hệ sao nhị phân khổng lồ nhấp nháy, trong đó một ngôi sao lớn gấp 100 lần Mặt trời cứ vài thập kỷ lại bị che khuất bởi bạn đồng hành giấu mặt. Bạn đồng hành đó có thể là ngôi sao hoặc hành tinh khác, bao quanh bởi đĩa mờ. Đĩa mờ này khiến cho ngôi sao khổng lồ biến mất và tái xuất hiện trên bầu trời.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Leigh Smith đến từ Viện Thiên văn học của Đại học Cambridge, cùng với các nhà khoa học ở Đại học Edinburgh, Đại học Hertfordshire, Đại học Warsaw ở Ba Lan và Đại học Andres Bello ở Chile.

Do VVV-WIT-08 nằm ở khu vực dày đặc sao của dải Ngân Hà, các nhà nghiên cứu cân nhắc liệu có vật thể tối nào đó tình cờ trôi dạt phía trước ngôi sao hay không. Tuy nhiên, kết quả mô phỏng cho thấy cần một lượng lớn vật thể tối trôi dạt quanh thiên hà để tình huống này xảy ra và điều đó là bất khả thi.

Giới nghiên cứu từng ghi nhận một hệ sao khác tương tự. Cứ 27 năm ngôi sao khổng lồ Epsilon Aurigae bị che khuất một phần bởi đĩa bụi cực lớn nhưng chỉ mờ đi khoảng 50%. Một ví dụ thứ hai là ngôi sao TYC 2505-672-1 tìm thấy cách đây vài năm và bị che khuất theo chu kỳ 69 năm.

VVV-WIT-08 được phát hiện bởi chương trình VISTA Variables trong dự án Via Lactea Survey (VVV), sử dụng kính viễn vọng VISTA ở Chile với sự điều hành của Đài quan sát nam châu Âu. Trong khi đó, Thí nghiệm thấu kính hấp dẫn quang học (OGLE) do Đại học Warsaw điều hành cũng quan sát quá trình mờ đi của ngôi sao. Những quan sát thường xuyên của OGLE đóng vai trò quan trọng giúp lập mô hình VVV-WIT-08, cho thấy ngôi sao mờ đi ở cả ánh sáng khả kiến và hồng ngoại.

Cập nhật: 14/06/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video