Vệt sáng đỏ rực hình lá cờ ở trung tâm dải Ngân Hà

  •   34
  • 66.073

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện vệt sáng đỏ di chuyển về phía Trái đất, có thể hé lộ nguồn cung cấp năng lượng ở giữa dải Ngân Hà.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Hàng không Vũ trụ Embry-Riddle tại Florida, Mỹ, sử dụng kính viễn vọng Wisconsin H-Alpha Mapper (WHAM) ở Chile để phát hiện ánh sáng đỏ phát ra từ khu vực mang tên "Đĩa nghiêng" nằm ở vùng trung tâm của dải Ngân Hà. Ánh sáng mờ nhạt chỉ có thể quan sát từ Trái đất, chiếu xuyên qua lỗ bụi và là dấu vết của khí hydro ion hóa đến từ những ngôi sao đang hình thành.


Mô phỏng vệt sáng đỏ rực ở tâm dải Ngân Hà. (Video: Science Advances).

Các nhà nghiên cứu cho biết vệt sáng đỏ được phát hiện thông qua so sánh các dải màu ánh sáng khả kiến khác đến từ khí nitơ và oxy ion hóa. Theo tiến sĩ Lawrence Haffner, đồng tác giả nghiên cứu, nếu không có nguồn năng lượng, các electron tự do sẽ tìm thấy nhau và tái kết hợp để trở lại trạng thái trung hòa. Điều này thường xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Giáo sư Bob Benjamin, đồng nghiệp của Lawrence Haffner ở Đại học Wisconsin-Whitewater, trông thấy vệt sáng hình "lá cờ đỏ" sau hai thập kỷ xem xét dữ liệu của WHAM. Hình dáng kỳ lạ của nó nổi bật giữa vùng trung tâm tối đen đầy bụi của dải Ngân Hà. Vệt sáng đang di chuyển về hướng Trái đất và không thể lý giải bằng hiện tượng vật lý đã biết như sự xoay tròn của thiên hà.

Vệt sáng đỏ đang di chuyển về phía Trái đất.
Vệt sáng đỏ đang di chuyển về phía Trái đất.

Trưởng nhóm nghiên cứu Dhanesh Krishnarao, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Wisconsin-Madison, tận dụng một mô hình hiện nay để dự đoán có bao nhiêu khí gas ở đó. Dữ liệu chưa qua xử lý từ kính viễn vọng WHAM cho phép ông điều chỉnh tính toán cho tới khi nhóm nghiên cứu có một bức tranh 3D chính xác về cấu trúc vệt sáng. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 3/7 trên tạp chí Science Advances. Theo đó, khoảng một nửa khí hydro bị ion hóa bởi một nguồn chưa biết.

Việc xác định và đo lượng khí gas ion hóa cho phép các nhà thiên văn học so sánh trung tâm của dải Ngân Hà với những thiên hà xoắn khác dễ dàng hơn. Bước tiếp theo là tìm hiểu nguồn năng lượng tạo ra quá trình ion hóa ở trung tâm thiên hà.

Cập nhật: 21/07/2024 Theo VnExpress
  • 34
  • 66.073